Liên kết để phát triển mạnh du lịch

02/05/2019 13:01

Nằm ở ngã ba Đông Dương - đầu mối du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây của khu vực, tỉnh ta có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì tiềm năng này chưa được tận dụng triệt để nhằm đầu tư khai thác và liên kết phát triển du lịch tương xứng, góp phần đem lại lợi nhuận kinh tế cao từ “ngành công nghiệp không khói” này. Thu hút đầu tư, liên kết để phát triển mạnh hơn nữa du lịch là vấn đề đặt ra cho du lịch Kon Tum.

Trong một lần được tham dự hội nghị phát triển du lịch trong vùng, tôi được nghe các chuyên gia đánh giá cao tiềm năng du lịch ở Tây Nguyên, trong đó tỉnh ta được xem là nơi có nhiều tiềm năng nổi trội có thể phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững. Đó là các thế mạnh khai thác phát triển du lịch như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tham quan những di tích lịch sử, những thắng cảnh thiên nhiên còn hoang sơ... ở nhiều địa phương trong tỉnh. 

Điểm nhấn tạo nên những khác biệt trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây là Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen với khí hậu quanh năm mát mẻ, thiên nhiên còn giữ được nhiều nét hoang sơ với nhiều thác, hồ, các điểm du lịch tâm linh như chùa Khánh Lâm, các điểm du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... nếu được liên kết mạnh và đầu tư khai thác tốt, chúng ta sẽ thu hút đông du khách.

Ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có nhiều thắng cảnh đẹp như thác Nàng Tiên, thác Bảy Tầng, thác Khỉ và các hang động hay chinh phục đỉnh Chư Mom Ray chẳng hạn. Các điểm du lịch này nếu được gắn kết với khu tưởng niệm Chư Tan Kra, bia di tích lịch sử điểm cao 1049, 1015 trên dãy đồi Sạc Ly, lòng hồ thuỷ điện Plei Krông, Ya Ly, các làng đồng bào dân tộc thiểu số còn giữ được nét đẹp văn hoá... tạo ra được ấn tượng mạnh mẽ thu hút du khách, nhất là đối với những du khách có niềm đam mê khám phá các danh thắng và các di tích lịch sử văn hóa.

Thác Bảy Tầng ở Chư Mom Ray. Ảnh: VN  

 

Ở thành phố Kon Tum nơi có dòng sông Đăk Bla hiền hoà, chảy ngược, uốn khúc, có các công trình kiến trúc độc đáo như nhà thờ Gỗ, Tòa giám mục, chùa Bác Ái, cầu treo Kon Klor, các điểm nhấn lịch sử Ngục Kon Tum, Bảo tàng Kon Tum, các làng đồng bào dân tộc thiểu số như Kon Kơ Tu, Kon Jơ Ri (Đăk Rơ Wa), Kon Tum Kơ Pâng (phường Thắng Lợi), Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất)... còn giữ được nghề dệt thổ cẩm, làm rượu ghè hay những nghệ nhân hát kể sử thi trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác phi vật thể của nhân loại.

Nhà rông văn hóa của người Ba Na ở làng Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum). Ảnh: VN

 

Nét khác biệt của du lịch Kon Tum nữa là trong khung cảnh kỳ vĩ của đại ngàn, du khách có thể đi thuyền độc mộc bên dòng sông Đăk Bla thơ mộng, có thể thả hồn trên sông nước mênh mông của lòng hồ thủy điện Ya Ly, thưởng thức các món cá lăng, cá anh vũ… ngon, bổ dưỡng thuộc hàng quý hiếm của dòng sông Sê San huyền thoại.

Du khách cũng có thể đến Đăk Tô thăm chiến trường xưa Đăk Tô-Tân Cảnh, rồi thưởng thức món nhộng lồ ô bổ dưỡng, uống rượu đoát (rượu Yàng) từ cây tvea (loài cây họ dừa, thốt nốt) và tắm suối nước nóng Kon Đào, Đăk Rơ Nga để giải đi bao mệt nhọc trên chuyến lữ hành dài...

Dựa vào lợi thế sẵn có, các địa phương trong tỉnh đã chú ý xây dựng các dự án khai thác lợi thế phát triển du lịch của địa phương mình. Một số địa phương đã kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư khai thác, phát triển du lịch của địa phương. Song, cách làm du lịch vẫn còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, mạnh địa phương nào địa phương đấy xây dựng phát triển du lịch mà không có sự liên kết tổng thể nhằm tạo ra “bản đồ du lịch chung” của tỉnh, vừa tạo được sự gắn kết trong chuỗi hoạt động du lịch, vừa khai thác, tạo ra được sản phẩm du lịch độc đáo của từng địa phương lại tránh chồng chéo, nhàm chán đối với du khách khi tổ chức tour du lịch.

Công tác thu hút đầu tư để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo nhằm thu hút du khách đến và giữ chân du khách ở lại lâu hơn khi quyết định chọn tham quan du lịch tại địa bàn tỉnh hiệu quả chưa cao. Bởi với quan điểm khai thác tận dụng những gì sẵn có của địa phương để thu nguồn lợi kinh tế từ “ngành công nghiệp không khói” trên địa bàn theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”, một số địa phương chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng đề án phát triển du lịch một cách bài bản, khoa học nhằm tạo ra “bản đồ du lịch tổng thể” để thu hút các nhà đầu tư lớn, “những con sếu đầu đàn”- như cách ví von của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư mang tầm quốc gia, đầu tư phát triển du lịch.

Đấy mới chỉ là nói đến công tác liên kết đầu tư phát triển du lịch giữa các địa phương trong tỉnh chứ chưa nói đến việc liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh ta với các tỉnh bạn trong khu vực Tây Nguyên, giữa tỉnh ta với các tỉnh khu vực miền Trung, là những điều ta cần tính đến và có cách làm bài bản trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, nhằm khai thác, phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa, phục vụ tốt nhu cầu tăng trưởng kinh tế của đất nước như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các chuyên gia kinh tế chỉ ra tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên do tỉnh Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức tại thành phố Huế vào trung tuần tháng 2/2019.   

Như đã trình bày ở trên, nhiều thắng cảnh du lịch ở Kon Tum phần lớn vẫn chưa được đầu tư khai thác và kết nối xứng tầm. Doanh thu từ du lịch trên địa bàn vì vậy cũng đạt rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong năm 2018, Đà Nẵng là địa phương đạt doanh thu cao nhất từ hoạt động du lịch, đạt khoảng 24.060 tỷ đồng; Khánh Hòa cũng đạt hơn 20.500 nghìn tỷ đồng; các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam cũng đều đạt từ 4.500-4.700 nghìn tỷ đồng; còn “mái nhà” Tây Nguyên (trừ tỉnh Lâm Đồng đạt doanh thu gần 12.000 tỷ đồng), tỉnh Đăk Lăk 700 tỷ đồng, 3 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông) không vượt quá 200 tỷ đồng.

Còn nhớ, tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên khai mạc tại thành phố Huế vào trung tuần tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiềm năng du lịch ở miền Trung và Tây Nguyên lớn nhất cả nước với nhiều bãi biển đẹp, nhiều di sản văn hóa... Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng này hiện vẫn chưa xứng tầm. “Tài nguyên du lịch nhìn chung vẫn như viên ngọc thô chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được người thợ mài dũa xứng đáng. Cần phải làm cho viên ngọc này sáng lên” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu hút đầu tư, liên kết khai thác tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch, góp phần đưa tỉnh ta phát triển mạnh hơn nữa là vấn đề đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian đến nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó cũng là góp phần thực hiện tốt một trong những nội dung quan trọng Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã chỉ ra.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác