Kỳ vọng và áp lực

26/06/2017 08:02

Khi sự kỳ vọng quá lớn, vượt quá năng lực của con thì chính các bậc phụ huynh đã vô tình tự gây áp lực cho con. Trong khi đó, các con – dù đã học hết 12 năm phổ thông nhưng cũng khó có thể nói cụ thể muốn học ngành nào, theo nghiệp gì. Gọi tên đam mê, sở thích của mình khi mới ở tuổi 17-19 không phải là chuyện dễ, nhiều khi còn khổ sở đến vô vọng.

Có cậu con trai tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 vừa để xét tuyển tốt nghiệp THPT vừa để vào Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, mấy ngày nay, anh chị bạn tôi không khỏi bồn chồn lo lắng. Chăm chút cho con mười mấy năm trời, “cú chót quyết định” này mà không qua thì đúng là công cốc nên hết anh, đến chị lo cho cu cậu, từ miếng ăn, giấc ngủ và thậm chí là nấu cả xôi đỗ đỏ, chè đỗ đỏ… như là một phép thắng lợi tinh thần, mong con thi đỗ một cách rực rỡ. 

Tâm lý ấy có lẽ không của riêng anh chị bạn tôi. Nhìn cổng trường có đặt các điểm thi 3-4 ngày qua là thấy rõ. Dù biết chẳng thể thay con làm bài thi, dù biết đến giờ phút thi cử quyết định rồi mọi chuyện chẳng thể nào khác được…, nhưng không ít ông bố, bà mẹ vẫn bồn chồn, đứng ngồi không yên trước cổng các điểm thi chờ đợi. Nóng cả ruột gan thay cho con và chỉ mong con cũng hiểu được nỗi lòng của mẹ cha mà cố gắng làm bài tốt, cố gắng thi đỗ

Mà không chỉ đỗ, phải đỗ điểm cao để dễ bề chọn trường, chọn nghề “hot”. Chẳng phải, cha mẹ đã nhọc công cho con từ những ngày còn thơ bé. Hết bon chen 2-3 giờ sáng đi nộp hồ sơ xin nhập học mầm non đến bốc thăm để được vào mầm non, tiểu học. Lớn hơn chút là cuộc đua vào trường  điểm, trường chuyên, lớp chọn. Rồi, ngày ngày hết đưa đón con đi học chính khóa ở trường lại đến đưa đón học thêm, bất kể nắng mưa… Đầu tư cả 12 năm, thậm chí 17-18 năm trời cũng chỉ mong con đạt kết quả cao trong cuộc vượt vũ môn này.

Khi sự kỳ vọng quá lớn, vượt quá năng lực của con thì chính các bậc phụ huynh đã vô tình tự gây áp lực cho con. Trong khi đó, các con – dù đã học hết 12 năm phổ thông nhưng cũng khó có thể nói cụ thể muốn học ngành nào, theo nghiệp gì. Gọi tên đam mê, sở thích của mình khi mới ở tuổi 17-19 không phải là chuyện dễ, nhiều khi còn khổ sở đến vô vọng.

Còn phụ huynh, sự kỳ vọng, động viên, khuyến khích con trước kỳ thi đã đành; không ít người, con thi xong rồi, nếu làm bài chưa tốt và thêm thời gian nữa là kết quả thi không như mong đợi lại hết mắng mỏ đến dọa dẫm vì làm xấu mặt bố mẹ. Áp lực từ khối lượng kiến thức lớn, mật độ các buổi ôn thi dày đặc trước kỳ thi, sau kỳ thi các em phải chịu áp lực “đỗ đạt” từ gia đình và từ chính bản thân. Điều này vô tình khiến không ít em khi kết quả không mong đợi dễ có những hành vi tiêu cực.

Cũng chính ngay trong những ngày Kỳ thi THPT quốc gia năm nay đang diễn ra, không ít phụ huynh thở dài mà nói rằng, vất vả, gian nan cả cha mẹ lẫn con suốt quãng thời gian qua chỉ để mong con thi đỗ; nhưng, nếu thi đỗ trường đại học nào đó, 4-5 nữa ra trường biết xin việc làm ở đâu. Chẳng phải các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn nêu tỉ lệ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tăng dần qua các năm. Mà chẳng nhìn đâu xa, con nhà chị hàng xóm trước mặt, con anh đồng nghiệp cùng cơ quan… có bằng cử nhân rồi cũng quay lại xin ông chủ thầu cho một chân phụ hồ, giấu bằng cử nhân xin vào làm công nhân các khu công nghiệp… đó sao!

Như là một cách để thoát khỏi cảnh thất nghiệp dài dài, các bậc phụ huynh lại càng đặt nhiều kỳ vọng, gây áp lực cho con. Tức là, chỉ mong con thi đạt kết quả thật cao để vào trường “hot”, ngành “hot”. Mà thước đo của trường “hot”, ngành “hot” chính là cơ hội có việc làm cao, thu nhập tốt…

Mà, ngành “hot”, trường “hot” – nghe ù tai thật, nhưng liệu có đủ? Khi mà không ít trường cao đẳng, đại học chưa đảm bảo chất lượng đào tạo gắn với yêu cầu thực tế tình hình kinh tế, xã hội luôn biến động; khi mà các em thiếu đi những dự báo về ngành nghề trên thị trường lao động và chính các em cũng chưa định hình rõ đam mê, sở thích của mình!

Kỳ vọng vào con là đúng đắn. Kỳ vọng này xuất phát từ tình yêu thương, từ những mong muốn riêng mà bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng muốn gửi gắm cho các con mình. Nhưng, một khi sự kỳ vọng quá lớn và quá sức với năng lực của con lại vô tình gây áp lực cho con. Sau những ngày thi, các con cũng rất cần tiếp tục nhận được sự động viên, khích lệ là vậy!

Liễu Hạnh 

Chuyên mục khác