Kỳ vọng từ một Nghị quyết

25/11/2019 06:11

Ngày 18/11, tại kỳ họp thứ 8, với tỷ lệ 89,44% số đại biểu tán thành, Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là quyết sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân miền núi cả nước, trong đó có tỉnh ta và được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức hiện nay, tạo điều kiện để vùng đồng bào DTTS và miền núi vơi bớt khó khăn, phát triển đi lên cùng đất nước.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, Đề án triển khai thực hiện quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Đề án cũng đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn 2021 - 2025 và 2025 - 2030. Trong đó đáng chú ý là, Đề án xác định đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng hơn hai lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3% đến 5%, đến năm 2030 bằng 1/2 bình quân chung của cả nước…

Việc Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua Đề án này có ý nghĩa quan trọng, sâu sắc cả về chính trị và xã hội, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đề án không chỉ được các bộ, ngành và các địa phương quan tâm mà còn được người dân các vùng đồng bào DTTS, miền núi mong đợi, kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá toàn diện về kinh tế - xã hội, văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS. 

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu tán thành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Ảnh: Internet

 

Phải nói rằng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm, dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho các vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn với rất nhiều chủ trương, chính sách lớn. Các chính sách này từng bước đi vào cuộc sống, tạo nên những đổi thay tích cực về kinh tế-xã hội các địa phương miền núi, nâng cao đời sống, thu nhập cho đồng bào DTTS.

Tại tỉnh ta, việc phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng DTTS được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm; thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án của Chính phủ đối với vùng dân tộc và miền núi, trọng tâm là Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Cùng với các nguồn đầu tư của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ dành riêng cho đồng bào DTTS, người dân các vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Chỉ trong giai đoạn 2014-2019, tổng nguồn huy động vốn đầu tư cho vùng DTTS từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và vốn trái phiếu Chính phủ trên địa bàn tỉnh ta là 4.266 tỷ đồng, được tập trung đầu tư thực hiện 104 dự án đường giao thông, 60 công trình giáo dục, 57 công trình y tế, 32 dự án thủy lợi… Qua đó, góp phần tạo điều kiện, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương; khích lệ, cổ vũ người dân các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vươn lên xóa đói giảm nghèo; diện mạo các thôn, xã vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội ở các vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa của cả nước nói chung và ở tỉnh ta nói riêng vẫn chậm phát triển, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao... Giao thông không thuận lợi, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đã làm cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân các vùng đồng bào DTTS…

Do đó, việc Chính phủ xây dựng và Quốc hội thông qua Đề án dành riêng cho vùng đồng bào DTTS, miền núi là cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân. Đề án tích hợp các chính sách thành chương trình mục tiêu quốc gia tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc; từ đó, góp phần xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trên cơ sở Nghị quyết được thông qua, Đề án với những mục tiêu, định hướng rõ ràng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ thể chế hóa bằng hệ thống chính sách đồng bộ, cụ thể để hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa; tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng; góp phần làm thay đổi đời sống của người dân khu vực này.

Người dân các tỉnh miền núi, vùng đồng bào DTTS, trong đó có Kon Tum đang rất kỳ vọng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được tổ chức thực hiện có hiệu quả để tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững ở các vùng còn nhiều khó khăn, nâng cao đời sống người dân. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các DTTS vào đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Thùy Hương

Chuyên mục khác