Không để xói mòn lòng tin

05/12/2021 16:14

Ngày 31/10/2003, Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/12/2005. Và để nâng cao nhận thức của mọi người dân hiểu biết và có trách nhiệm đấu tranh với các hành vi liên quan đến tham nhũng, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 9/12 hàng năm là ngày Quốc tế chống tham nhũng.

Từ ngày Việt Nam chính thức tham gia Công ước (ngày 19/8/2009), dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, các cơ quan lập pháp ở nước ta đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tăng cường sự công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ, quản lý sử dụng có hiệu quả tài chính, tài sản công, phát huy tích cực sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của mọi người dân, làm sao để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trở thành một phong trào rộng khắp mà trách nhiệm không chỉ riêng ai, trở thành xu thế chung của toàn xã hội.

Chúng ta không khỏi nhức nhối khi vài năm trở lại đây, hàng loạt vụ đại án tham nhũng được các cơ quan chức năng phanh phui và đưa ra ánh sáng. Thậm chí, có những vụ việc xảy ra tại các lĩnh vực, ngành hết sức nhạy cảm với hàng loạt cán bộ, sĩ quan cao cấp bị xử lý kỷ luật và chờ điều tra làm rõ…

Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII về Phòng, chống tham nhũng tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: ĐN

 

Nhức nhối là vậy, nhưng chúng ta càng thêm phấn khởi, tự hào khi mà cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và kiên quyết không nhoan nhượng, không dung thứ, bỏ qua cho bất cứ cá nhân nào, ở  cương vị nào. “Quân pháp bất vị thân”, “không có vùng cấm”, điều đó đã làm nức lòng dư luận xã hội, được nhân dân hết sức đồng tình, càng thêm củng cố lòng tin vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách và vừa mang tính lâu dài, trong năm 2021, các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh ta tiếp tục triển khai thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và quy định nêu gương, những điều đảng viên không được làm với nhiều hình thức phong phú, thích hợp cho từng đối tượng. Trong đó, chú trọng giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là trong các cơ quan tố tụng, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Theo báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền, từ đầu năm đến nay, ngành Thanh tra tỉnh triển khai hơn 100 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã kết thúc 69 cuộc thanh tra trên lĩnh vực quản lý tài chính - kế toán; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý và sử dụng đất; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng... Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện tổng số tiền sai phạm gần 2,4 tỷ đồng và 100 ha đất. Trong đó, đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 1,3 tỷ đồng, thu hồi 100 ha đất và một số kiến nghị xử lý khác trên 1 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm mà cơ quan Thanh tra phát hiện.

Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp tiến hành thụ lý, giải quyết 7 vụ việc, vụ án liên quan đến hành vi tham nhũng, khởi tố 5 vụ/7 bị can; chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 3 vụ/5 bị can… Ngoài ra, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 1 bị can về hành vi nhận hối lộ xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục công khai theo quy định của pháp luật đối với việc mua sắm công; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ, huy động; quản lý đất đai, tài sản công; công tác tổ chức, cán bộ; công khai các thủ tục hành chính, các loại biểu mẫu, quy trình, thời gian giải quyết, mức thu các loại phí, lệ phí; công khai số điện thoại đường dây nóng của người có thẩm quyền trong việc tiếp nhận các ý kiến phản ánh của tổ chức, công dân. Việc công khai, minh bạch được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị.

Để tiếp tục ngăn chặn hành vi tham nhũng có thể xảy ra tại các ngành, lĩnh vực “nhạy cảm”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác theo quy định. Đến nay, có 22/32 cơ quan, đơn vị thực hiện xong việc chuyển đổi vị trí công tác đối với hơn 150 cán bộ, công chức, viên chức; các cơ quan, đơn vị còn lại đang tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo kế hoạch đề ra.

Kiên quyết, không khoan nhượng đối với mọi hành vi tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang quyết liệt triển khai thực hiện trong thời gian qua chính là minh chứng hùng hồn để khẳng định và củng cố lòng tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác