Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19

12/07/2022 06:11

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trong cả nước đã được kiểm soát với số ca mắc, chuyển nặng, tử vong đều giảm. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự xuất hiện biến thể phụ BA.5 của Omicron với khả năng lây lan nhanh đặt ra yêu cầu là phải đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong tháng 6 vừa qua, số mắc Covid-19 trong cả nước đã chững lại ở khoảng 600 -700 ca trong ngày; số trường hợp nặng, tử vong tiếp tục giảm. Trong 30 ngày qua, tỷ lệ chết/mắc là 0,02%, trong đó số mắc giảm 4,5 lần và số tử vong giảm 10 lần so với tháng trước đó, có 24 ngày cả nước không ghi nhận ca tử vong. Các địa phương tăng cường tiếp nhận vắc xin, đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo quy định.

Đến nay, cả nước đã tiêm được hơn 233 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Việt Nam được đánh giá là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin cao nhất thế giới với tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên tổng dân số đạt xấp xỉ 80%, vượt 30% so với mục tiêu của WHO. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới và tỷ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng cao hơn một số quốc gia ở Châu Âu.

Dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trở lại bình thường, kinh tế - xã hội phục hồi và phát triển trên tất cả các mặt. Đây là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, khẳng định tính đúng đắn, phù hợp trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ở nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch, nhất là trong việc tiêm vắc xin. Có một bộ phận người dân tỏ ra ngần ngại, thậm chí né tránh tiêm vắc xin do đã mắc bệnh hoặc thấy tình trạng bệnh nhẹ khi mắc nên không muốn tiếp tục tiêm vắc xin.

Trong khi đó, theo Bộ Y tế, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam. Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay). Các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta và số ca mắc Covid-19 có thể gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, để giữ gìn và phát huy được thành quả chống dịch thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, ngày 2/7/2022, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 4114/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu là phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng, hoàn thành theo mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ.

Với mục tiêu cao nhất là kiểm soát dịch bệnh, tại phiên họp lần thứ 15 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh tinh thần là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch bệnh; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát dịch từ sớm, từ xa; bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết.

Người đứng đầu Chính phủ đã nhắc lại bài học kinh nghiệm khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, việc tiếp cận nguồn vắc xin gặp khó khăn, năng lực y tế hạn chế đã buộc chúng ta phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế - xã hội.

Vì vậy, để dịch bệnh không bùng phát trở lại; hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc. Bởi, thực tế không người dân nào an toàn khi người khác còn mắc bệnh Covid-19, không có địa phương nào an toàn nếu địa phương khác còn phải chống dịch.

Muốn thực hiện được điều này thì phòng bệnh vẫn là khâu quan trọng nhất. Đây được xem là giải pháp cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định. Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch.

Tiêm vắc xin là một trong những giải pháp quan trọng để duy trì miễn dịch cộng đồng. Ảnh: TH

 

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải tiếp tục thực hiện tốt 3 trụ cột phòng, chống dịch (xét nghiệm, cách ly, điều trị), phương châm 2K (khẩu trang và khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Trong đó, vắc xin được xem là vũ khí quyết định để duy trì miễn dịch cộng đồng, tạo hệ thống phòng bệnh một cách chủ động. Tiêm vắc xin là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân với chính mình, gia đình và cộng đồng, xã hội...

Tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19 là cơ sở vững chắc để bảo vệ thành quả chống dịch, tiếp tục đưa các hoạt động trở lại “bình thường mới”. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân.

Thùy Hương

Chuyên mục khác