Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống cháy rừng dịp Tết

06/02/2024 06:19

Dịp Tết Nguyên đán cũng là thời gian mùa khô hanh bước vào giai đoạn cao điểm nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Vì vậy, việc đề cao cảnh giác, tăng cường bảo vệ rừng trước những nguy cơ cháy trong thời điểm này là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết đặt ra với các cấp, ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ta là hơn 780.000 ha; trong đó, diện tích đất có rừng vào khoảng 609.600 ha, với hơn 547.600 ha rừng tự nhiên và trên 62.000ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 63,12%. Đây được xem là tiềm năng và thế mạnh số một của ngành lâm nghiệp tỉnh ta.

Với tinh thần trách nhiệm cao và việc chủ động trong triển khai thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nên những năm gần đây, số vụ cháy và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy gây ra được hạn chế tối đa.

Năm 2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng; năm 2023 xảy ra 5 vụ cháy, thiệt hại 0,768ha rừng trồng. Ngoài ra, có một số đám cháy đã được phát hiện kịp thời và dập tắt nên không gây thiệt hại về tài nguyên rừng.

Các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: TH

 

Tuy nhiên, không vì thế mà được chủ quan, lơ là. Bởi hiện nay, thời tiết đang bước vào giai đoạn khô hanh, cũng là thời kỳ người dân trên địa bàn tỉnh tiến hành các hoạt động sản xuất rẫy nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Hơn nữa, vào dịp Tết Nguyên đán, lượng khách du lịch đến các điểm du lịch sinh thái, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để tham quan, cắm trại, trải nghiệm cũng thường gia tăng, nếu sơ xuất trong sử dụng lửa thì nguy cơ và và hệ lụy sẽ vô cùng khó lường. Do đó, công tác phòng, chống cháy rừng trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội là nhiệm vụ quan trọng, nhất là tại những khu vực trọng điểm có nguy xảy ra cháy cao như các huyện Ia H’Drai, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ; phòng cháy, chữa cháy rừng chủ động ứng phó với các nguy cơ cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, bảo vệ tài nguyên rừng và giữ vững môi trường sinh thái, ngày 19/01/2024, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, cùng với việc thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng, trồng cây phân tán trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành mục tiêu trồng mới 3.000ha rừng, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và các đơn vị chủ rừng tuyên tuyền phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; quán triệt, nghiêm túc tổ chức xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân khi để xảy ra các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng trên địa bàn quản lý. Thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bố trí lực lượng trực phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định; tăng cường tuần tra, kiểm tra tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, kịp thời phát hiện và xử lý đám cháy ngay từ ban đầu. Tập trung lực lượng tổ chức đồng loạt mở các đợt cao điểm tuần tra, truy quét, trước mắt tập trung mở đợt cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Các địa phương tăng cường quản lý, bảo vệ rừng trong mùa dễ cháy. Ảnh: TH

 

Để bảo vệ tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường thiên nhiên, với phương châm “phòng hơn chữa” Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán này. Trong đó, chú trọng tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm cháy rừng, kết hợp với theo dõi các điểm cháy trên vệ tinh, thực hiện ứng dụng phần mềm cảnh báo cháy rừng và cấp dự báo cháy rừng để kịp thời phát hiện các điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng; tăng cường công tác phòng cháy trên lâm phần được giao quản lý, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời các đám cháy ngay từ ban đầu. Bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ và phân công lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng. Thực hiện việc phát, thu gom vật liệu cháy, nhất là tại các khu vực rừng trồng đang trong thời kỳ chăm sóc, các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.

Vẫn biết, việc phòng cháy, chữa rừng là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, tuy nhiên, trong thời gian cao điểm của mùa khô và dịp Tết nguyên đán, mùa lễ hội thì việc nâng cao tinh thần cảnh giác, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Qua đó, góp phần bảo vệ  an toàn cho những cánh rừng trên địa bàn tỉnh trước “giặc lửa”./.

Thùy Hương

Chuyên mục khác