Khởi nghiệp hay say xỉn?

10/10/2016 14:00

“Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp hay quốc gia say xỉn?” - ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã đặt câu hỏi như vậy tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia vào ngày 26/9.

Không phải ngẫu nhiên mà câu hỏi đó được đặt ra. Theo thống kê, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 Đông Nam Á (sau Thái Lan), đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 thế giới về tỉ lệ tiêu thụ rượu bia, gấp hơn 4 lần mức tiêu thụ trung bình toàn cầu. Điều đáng nói tại Việt Nam, tỉ lệ người trẻ uống rượu ở mức nguy hại ngày càng gia tăng.

1. Kết quả điều tra trên diện rộng mới nhất về thực trạng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng thực hiện vừa được công bố, số lượng người nghiện rượu vào bệnh viện tâm thần điều trị tăng gấp hơn 10 lần sau 10 năm, trong đó có cả những bệnh nhân mới 15-16 tuổi. Nếu tính riêng về tỷ lệ nam giới sử dụng bia, rượu (khoảng 77%) thì tỷ lệ này của nước ta đang đứng đầu tỷ lệ bình quân của khu vực và cả thế giới.

Đáng lo ngại là trong khi mức sử dụng lượng rượu, bia trung bình trên thế giới không tăng trong 10 năm qua thì ở nước ta lại tăng trưởng theo đường thẳng đứng. Cụ thể, năm 2010, lượng tiêu thụ ở mức 6,6 lít/người/năm, tăng gấp đôi giai đoạn 2003-2005 là 3,8/lít/người/năm và dự báo đến 2025, con số này sẽ tăng lên 7 lít/người/năm. Chỉ tính riêng năm 2015, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, tỷ lệ người sử dụng rượu, bia như con số thống kê vừa nêu cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, con số này có thể cao hơn và còn nghiêm trọng hơn nhiều, bởi Việt Nam hiện là 1 trong 12 nước ít ỏi trên thế giới còn cho dân tự nấu rượu. Và theo thống kê sơ bộ, mỗi năm, nước ta tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu do người dân tự nấu.

Tỷ lệ thuận với tiêu thụ rượu bia là những vấn đề nóng về sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự xã hội. Rượu bia là nguyên nhân gây ra gần 70% số vụ bạo lực gia đình. Chỉ tính riêng thiệt hại do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia ở nước ta mỗi năm đã xấp xỉ 1 tỉ USD, chưa kể chi phí điều trị các bệnh mãn tính liên quan đến loại đồ uống có cồn này. Và khi khảo sát trên 1.840 bệnh nhân tai nạn giao thông nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% tham gia giao thông 2 giờ sau khi uống rượu bia. Việt Nam cũng đang là 1 trong 4 nước có tầm vóc dân cư nhỏ nhất thế giới - mà rượu bia là một trong những nguyên nhân có liên quan trực tiếp.

2. Cũng không quá ngạc nhiên với con số thống kê này khi ở các vùng thuận lợi trên địa bàn tỉnh nói riêng, trong toàn quốc nói chung quán nhậu mọc lên ngày càng nhiều. Còn ở các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, dù không có nhiều quán nhậu nhưng những can rượu trắng trong các cửa hàng tạp hóa thì dường như chẳng lúc nào vắng. Rồi, hình ảnh đàn ông, đàn bà say rượu nằm bên vệ đường, nằm trên sàn nhà, dưới đất; mắt đã nhắm nhưng miệng vẫn uống; rồi, những bữa cơm không có cá, có thịt nhưng rượu vẫn đầy… dường như không còn xa lạ.

Tất yếu là, một khi phong trào rượu chè trên đà đi lên thì phong trào làm ăn lại đi xuống. Đắm chìm trong cơn say, từ hôm nọ sang hôm kia, nhậu say thì ngủ, ngủ dậy lại uống và lại say, nhiều người bỏ bê  luôn chuyện làm ăn. Vậy là những phận đời cứ thế mà trôi đi trong vòng luẩn quẩn: nghèo - bức bối - uống rượu – lại càng nghèo trở nên phổ biến.

Thống kê của ngành chức năng, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 12.921 hộ nghèo, chiếm 10,72% tổng số hộ của tỉnh, trong đó, 11.073 hộ nghèo người dân tộc thiểu số; hộ cận nghèo có 4.406 hộ, chiếm 3,66%, trong đó hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số 3.812 hộ. Kết quả điều tra tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều (giai đoạn 2016-2020) thì con số hộ nghèo còn tăng cao. So với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, Kon Tum đứng đầu về tỉ lệ hộ nghèo và đứng thứ hai về tỉ lệ hộ cận nghèo. Điều đáng nói là theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm trên địa bàn tỉnh cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo là do lạm dụng rượu, bia nên chẳng mặn mà, chí thú với chuyện làm ăn. 

Một lãnh đạo xã từng tâm sự với chúng tôi rằng, dù tuyên truyền, vận động nhiều nhưng tình trạng sáng say chiều xỉn vẫn chưa giảm. Khổ nỗi, những hộ gia đình say sưa với rượu bia lại đều là những hộ nghèo.

Cũng dễ hiểu vì những trận nhậu kéo dài hàng tiếng đồng hồ khiến nhiều người không đủ tỉnh táo, không chỉ ảnh hưởng đến thời gian làm việc mà còn giảm năng suất lao động và sự đóng góp cho gia đình, xã hội. Mải mê trong những cuộc nhậu nên lấy đâu thời gian để lo bàn chuyện làm ăn, lấy đâu thời gian để tất bật với việc ruộng, rẫy  nữa… Tụt hậu, nghèo, đói cũng là vì vậy, tính gì đến chuyện khởi nghiệp!

3. Để thưởng cho cô con gái chăm ngoan học giỏi, anh bạn của tôi đã dành hẳn không gian nhà cho con tổ chức sinh nhật lần thứ 15. Điều khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên là khi nghe anh kể chỉ với hơn 20 bạn nhưng đa phần là nữ, ngoài các món ăn, các cháu còn tậu thêm cho bữa tiệc một thùng bia. Các cháu bảo rằng phải có tý bia thì câu chuyện mới rôm rả, buổi tiệc sinh nhật cũng vui hơn.

Nghe chuyện xong, chúng tôi đùa vui – bia rượu trở thành xu thế của thời đại rồi! Và, khi đã trở thành xu thế thì dường như độ tuổi “hưởng thụ” cũng đang dần được trẻ hóa. Cũng khó mà cấm con trẻ vì xưa kia cha ông ta lấy “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì nay nói không quá “rượu bia đã trở thành đầu câu chuyện” rồi. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã dần được hình thành “thói quen cụng ly”, bình dân một chút thì các cuộc liên hoan, nhậu nhẹt của người lớn trong nhà; sang trọng hơn ở hàng quán. Xa hơn một chút là phim ảnh, là các quảng cáo rượu bia “đập” vào mắt con trẻ.

Theo thống kê, dù tuổi càng cao số lần uống rượu bia càng tăng (1,9% ở nam giới trong độ tuổi 18-29 và 31% đối với người trong độ tuổi 50-69 uống rượu, bia hàng ngày) nhưng nhóm trẻ tuy uống ít lần hơn so với người già nhưng số lượng uống mỗi lần của họ lại nhiều hơn.

Xu hướng trẻ hóa độ tuổi “hưởng thụ” rượu bia như hiện nay, khiến nhiều bậc làm cha làm mẹ cảm thấy lo âu. Lo âu vì trong xu thế chung của xã hội, con mình cũng khó tránh; lo âu vì lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn khởi đầu, định hướng lập thân lập nghiệp rất được gia đình, xã hội tin yêu kỳ vọng lại dành nhiều thời gian cho rượu bia. Và từ chỗ chỉ là uống “cho vui”, “cho biết”, lâu dần thành thói quen, lứa tuổi vị thành niên, thanh niên dành nhiều thời gian cho các cuộc nhậu ắt hẳn sẽ chểnh mảng chuyện học hành và cứ thế mà trượt dài…

Khởi nghiệp hay say xỉn? Khởi nghiệp cần lắm đam mê, nhiệt huyết và cả lòng khát khao. Khởi nghiệp phải xác định rõ cho mình được mục tiêu, hướng đi, mô hình rõ ràng. Khởi nghiệp còn là sự chuẩn bị cả về tinh thần, nhân lực, vật lực… Thế nên, khi vòng luẩn quẩn rượu bia – say xỉn – đói nghèo – bệnh tật cứ quay đều, quay đều… thì mỗi người dễ dàng chấp nhận an phận. Và trong hoàn cảnh ấy, liệu mấy ai đủ sức để vươn lên, nói gì đến chuyện khởi nghiệp?

Bình Toàn

Chuyên mục khác