Khơi gợi, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc

27/10/2014 11:04

Với trên 22 dân tộc sinh sống, tỷ lệ ĐBDTTS chiếm 53,19% dân số toàn tỉnh, sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân ở vùng ĐBDTTS được xem là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả trong phát triển bền vững…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trò chuyện với các đại biểu dự ĐHĐB các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II. Ảnh: M.T 

 

Với tấm lòng chân thành của đồng bào các dân tộc, cũng là quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Đại hội đại biểu DTTS lần thứ II/2014 (được tổ chức trong 2 ngày 16-17/10) đã đề ra quyết tâm: Phát huy sức mạnh đoàn kết, chung sức phấn đấu thoát nghèo bền vững, xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định và phát triển; thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc; thi đua bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN và xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Quyết tâm cho cả giai đoạn đã có, vấn đề đặt ra là làm sao khơi gợi, phát huy được sức mạnh đoàn kết của các dân tộc?

1. Có thể dễ dàng nhận thấy ĐBDTTS là một bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong tiến trình lịch sử, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã chung sức chung lòng làm nên những kỳ tích đáng tự hào. Trong chiến tranh, không tiếc sức người, sức của, ĐBDTTS trong tỉnh nuôi giấu bộ đội, làm chông, rèn dao đánh giặc…

Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, ĐBDTTS tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy lùi đói nghèo, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp; trong thời buổi “tấc đất tấc vàng” nhưng nhiều hộ sẵn sàng hiến vài trăm mét vuông đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng trường học, xây dựng các công trình giao thông…

Để tiếp tục khơi gợi được tinh thần tự nguyện, tự giác đó của ĐBDTTS, trước hết, các cấp, các ngành phải làm tốt công tác tuyên truyền quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc một cách thường xuyên liên tục để nâng cao nhận thức cho bà con.

Trong phương thức tuyên truyền, phải có sự đổi mới, ngoài thông qua các buổi họp thôn, họp làng, các buổi quán triệt nghị quyết, qua sinh hoạt các đoàn thể…, biện pháp được xem là hiệu quả nhất là “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà”; tuyên truyền cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, nhất là các đối tượng đặc thù, cá biệt.

Bên cạnh đó, phải chú trọng nâng cao dân trí vùng ĐBDTTS. Thực tế trong những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp nhưng so với mặt bằng chung, chất lượng giáo dục vùng DTTS vẫn chưa cao.

2. Cùng với việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trình độ dân trí cho bà con DTTS, để khơi gợi, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, một yếu tố quan trọng đó là phải triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.

Phải khẳng định rằng, những năm qua, ngoài tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với địa bàn vùng DTTS, tỉnh ban hành và chỉ đạo ban hành 27 chương trình, dự án đối với ĐBDTTS, đã giải quyết được những vấn đề khó khăn, bức xúc, tạo đà cho vùng ĐBDTTS ngày càng khởi sắc.

Kết quả đạt được là vậy nhưng bên cạnh đó việc thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn những bất cập: đa số chính sách có thời gian thực hiện ngắn; còn chồng chéo về đối tượng và địa bàn thụ hưởng, suất đầu tư ít, định mức hỗ trợ thấp, chưa phù hợp với địa bàn vùng dân tộc, miền núi; nhiều chính sách khi hết hiệu lực nhưng mục tiêu không đạt do nguồn vốn Trung ương cấp không đủ; công tác điều hành, quản lý, tham mưu, tổ chức thực hiện vẫn còn những bất cập…

Để việc thực hiện chính sách dân tộc hiệu quả, cần có sự phân công, phân cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể.

Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất, đời sống và sử dụng nguồn lực hợp lý để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giữa vùng DTTS và các vùng khác.

Trong quá trình thực hiện các chính sách dân tộc, cũng cần xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của của già làng, người có uy tín trong cộng đồng DTTS…

3. Với trên 22 dân tộc sinh sống, tỷ lệ ĐBDTTS chiếm 53,19% dân số toàn tỉnh, sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân ở vùng ĐBDTTS được xem là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả trong phát triển bền vững.

Để nhiều hộ DTTS không chỉ thoát được nghèo vươn lên làm giàu ngay trên quê hương; để có được sự khởi sắc, thay da đổi thịt ở vùng DTTS đòi hỏi sự phát huy nội lực, tự tạo cơ hội cho chính mình của mỗi người dân DTTS.

Thời gian qua, ở các vùng ĐBDTTS, nhiều hộ gia đình đã không ngừng nỗ lực vươn lên, trở thành những tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Đó là già Bloong Vẻ, ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi đã làm du lịch ngay tại làng vừa nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc vừa thu hút được du khách đến tham quan, có thêm thu nhập.

Đó là ông A Rứk – Chủ tịch UBMTTQ xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động nhan dân xóa bỏ tà đạo Hà Mòn trên địa bàn xã…

Họ chính là những tuyên truyền viên, là những hạt nhân đoàn kết, tạo nền tảng vững chắc cho khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng giàu mạnh.

Bởi vậy, trong thời gian tới, để khơi gợi, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, các cấp, các ngành cần phát động và triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua.

Làm tốt được điều đó, tin rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến mấy, ĐBDTTS trong tỉnh tiếp tục phát huy xứng đáng truyền thống đoàn kết, kiên cường bất khuất, không để cho bất cứ thế lực nào chia rẽ, làm yếu đi sức mạnh đoàn kết, vượt qua thách thức để đi đến mục tiêu mà Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ II đề ra.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác