Khi trẻ em cười!

04/06/2018 06:59

Ngày 1/6 năm nay, với sự giúp sức của người bạn nhỏ hàng xóm, tôi quyết định thử nghiệm một thay đổi nho nhỏ, khác với cách làm "truyền thống", để chào mừng Tết thiếu nhi. Và thật bất ngờ, thay đổi nhỏ ấy lại rất thành công bởi đem lại ngập tràn tiếng cười con trẻ...

1.Ban đầu, lúc bắt tay vào viết bài này, tôi định nói về nỗi day dứt, đau đớn khi đọc được những thông tin liên quan đến những vụ bạo hành trẻ em, và sau đó kêu gọi mọi người chung tay phòng chống nạn bạo hành trẻ em, ít nhất là có một bộ quy tắc chung để xử lý, ngăn ngừa chúng.

Nhưng rồi tôi sực nhớ, chúng ta đã có cả một bộ luật trẻ em và các quy định dưới luật. Quốc hội (khóa XIII) đã thông qua Luật Trẻ em vào ngày 5/4/2016. Ngày 9/5/2017, Chính phủ có Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em, trong đó dành hẳn một chương (chương III) để quy định về việc hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ bị xâm hại, bị bóc lột, bị bạo lực…

Xã hội kỳ vọng, với những quy định của đạo luật mới này, trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn; các cơ quan có trách nhiệm tích cực hơn trong việc bảo vệ trẻ. Thế nhưng, tiếc thay giữa luật và thực tế còn một khoảng cách quá xa và vì thế đã có không ít trẻ em bị bạo hành trong chính ngôi nhà, mái trường mà lẽ ra các em được an vui, phát triển mọi mặt.

Trong một buổi cà phê vỉa hè, tôi nghe một người bạn làm ở lĩnh vực "có liên quan đến trẻ em" than phiền rằng, hiện nay, ở Việt Nam ta có hàng loạt quy phạm, luật lệ để bảo vệ trẻ em, nhưng lại không có mấy người biết, hoặc để ý...

Theo thống kê, hiện nay có đến 15 tổ chức có chức năng bảo vệ quyền lợi trẻ em, từ cấp trung ương đến tận xã phường, từ cơ quan nhà nước đến đoàn thể, tổ chức xã hội- anh bạn cho hay.

Mặc dù có đông đảo cơ quan được giao nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, nhưng có một thực tế là nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại lại ít được sớm phát hiện. Nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành, bị đánh đập hoặc đối xử tàn độc trong thời gian dài nhưng chính quyền, đoàn thể ở địa phương chậm phát hiện.

Một cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em hơn 20 năm từng chia sẻ với tôi, tất cả các cháu bị roi vọt, đánh đập, thậm chí chỉ bị mắng mỏ, đe nẹt từ người ngoài, bố mẹ, hay thầy cô giáo...đều bị ám ảnh nặng nề về tâm lý. Đặc biệt hơn, người ngoài có thể làm các cháu sợ sệt, nếu được bố mẹ, người thân quan tâm đúng mực, các cháu sẽ  vượt qua, nhưng nếu bố mẹ là người trực tiếp bạo hành (dù tinh thần hay thể xác), thì nỗi đau tinh thần các cháu phải chịu đựng sẽ đeo đẳng suốt đời.

Theo dõi thông tin về các vụ trẻ bị bạo hành, bị xâm hại, tôi hết sức xót xa và đau lòng. Vì vậy, tôi mong rằng người lớn đừng hô hào suông nữa mà hãy hành động. Hành động với trái tim yêu thương để con trẻ được bảo vệ thật sự, được sống trong một môi trường lành mạnh, được lớn lên và được phát triển, được chăm sóc, giáo dục, hoàn thiện nhân cách- anh phát biểu.

2.Một Tết thiếu nhi nữa đã đến!

Từ trước cả chục ngày, con hẻm nhỏ nơi tôi ở đã nhộn nhịp, rôm rả bàn chuyện Tết thiếu nhi. Tôi để ý, không chỉ ở hẻm mình, ở nhiều nơi khác cũng vậy.

Và nhất là mấy sáng nay, loa phường phát liên tục về ý nghĩa ngày tết thiếu nhi, kêu gọi mọi người chăm lo, bảo vệ trẻ em. "Hãy chung tay ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em"- loa phường đọc, đồng thời cung cấp số điện thoại để liên lạc khi cần...

Tôi có cu cậu hàng xóm học lớp 6, gọi là Tin, bạn chạy thể dục buổi sáng. Trên đường chạy, tôi khuyên nó nghe, "có ý nghĩa lắm đấy", như người lớn thường nói mỗi khi muốn con trẻ làm việc gì. Và cu Tin nghe một cách kiên nhẫn.

Nghe xong cu cậu nhận xét: Người lớn thích hô hào bác nhỉ?

Sao vậy? Tôi tò mò. Cu cậu bần thần: Hôm qua Chiến con nhà bác Tuấn, vì xếp loại trung bình nên bị bố đánh mấy roi, chắc đau lắm, sáng nay không ngồi được. Chắc bác ấy không nghe loa đâu nhỉ, vì đó chỉ là kêu gọi thôi. Cháu rất thương bạn, có thể gọi vào số điện thoại ấy để báo không? Gọi rồi liệu có bị bố mẹ mắng và đánh không?

Ở nhà, cậu ấy làm gì cũng sợ sệt. Mặc quần áo đi học, đi chơi đều phải theo ý mẹ, không thì lo mẹ mắng. Mải chơi quên lau nhà, bố về cũng bị mấy roi. Bạn ấy nói, Tết thiếu nhi chỉ thèm được nhìn thấy bố cười.

Tôi lặng người!

Sau 1 đêm suy nghĩ, tôi quyết định thực hiện một "thử nghiệm" nho nhỏ. Cu Tin rất hào hứng khi nghe tôi "trình bày" ý tưởng và hứa- một cách nghiêm túc- sẽ hết sức giúp đỡ tôi. Hay là chú rủ bố của Chiến cùng chuẩn bị- cậu đề xuất. Quả là một ý tưởng hay vô cùng! Tất nhiên sẽ khó thuyết phục đây.

Sau giờ làm, mấy nhà trong hẻm tập trung tại một khoảnh đất rộng. Những trái bóng bay xanh đỏ tím vàng, được bơm nước, thổi căng được phát cho từng nhà, khi tiếng còi cất lên, bóng nước bay vèo vèo... Lũ trẻ con hò reo thích thú, chơi hăng hái. Không có những khen chê, người lớn không "cử đại diện" nói dăm ba câu, phát biểu dăm ba lời đẹp đẽ rồi tản mát, mà tất cả cũng ùa vào chơi. Mảnh sân nhỏ ướt loáng nước. Tiếng cười vang khắp xóm.

Cuộc thử nghiệm của tôi với lũ trẻ trong hẻm, dù không mới với người khác, bỗng nhiên tạo ra rất nhiều cảm xúc - so với việc phát cho mỗi cháu mấy cái bánh, mấy cái kẹo. Nó khiến cho trẻ thấy ngạc nhiên, bởi những ông bố bà mẹ hay cau có, hay la mắng, suốt ngày tất bật với công việc nay lại đùa giỡn với chúng. Vì vậy, chúng rất vui vẻ.

Và cậu bạn của cu Tin không thèm chơi nữa, nhảy ra cổ vũ cho bố. Tôi để ý, dù tham gia chơi nhiệt tình, nhưng ba cậu bé vẫn thỉnh thoảng nhìn cậu con trai đang cười vui, nhảy cẫng lên vỗ tay la hét khi ba cậu "ném bom" trúng ai đó, dường như mắt anh loáng nước? Phải chăng anh đã nhận ra rằng, nụ cười hạnh phúc của cậu con trai bé bỏng mới là thứ đáng quý nhất trên đời. 

Đôi khi, những thay đổi lớn đến từ việc chúng ta bắt đầu khởi động các thay đổi nhỏ- tôi chợt nghĩ. Những thay đổi tích cực trong cách cư xử với con trẻ ở mỗi người sẽ đem lại thay đổi tích cực của cả cộng đồng. Và ngày 1/6 rất phù hợp để có những thay đổi như thế.

Khi trẻ em cười, ấy là chúng đang hạnh phúc. Vì vậy, điều chúng ta cần làm mỗi ngày là dành những gì tốt nhất cho trẻ em, để chúng luôn được nở nụ cười vui vẻ!

          Thành Hưng

Chuyên mục khác