Hướng đi nào cho Hợp tác xã?

09/07/2019 06:06

Đã qua rồi thời hoạt động bằng... kinh nghiệm, các HTX cần tự đổi mới mạnh mẽ ngay trong “cơ thể” mình, không phải với tư duy của những nông dân “đi buôn” mà là tư duy của doanh nghiệp để có thể hoạt động được như một “cơ thể sống” với những yêu cầu cạnh tranh cao về nguồn vốn, nguyên liệu, thị trường trong nước, khả năng xuất khẩu…

1. Năm ngoái, khi viết bài nhân ngày Quốc tế Hợp tác xã (HTX), tôi đã từng trăn trở rất nhiều trước câu hỏi của một Chủ nhiệm HTX quen biết.

Theo nhà báo, có hướng đi nào hiệu quả cho các HTX trong bối cảnh hiện nay hay không? Anh đã hỏi như vậy. Lúc bấy giờ, tôi được biết rằng, Hợp tác xã xây dựng của anh “xuống cấp” lắm rồi và đang tính đến chuyện giải thể.

Đó là cách duy nhất - anh buồn rầu nói - HTX đã ngừng hoạt động cả năm nay vì không tìm được công trình; thành viên không có thu nhập nên tứ tán mỗi người mỗi nơi, tự kiếm việc để mưu sinh. Bây giờ phải giải thể để còn kịp bán thanh lý máy móc, kiếm tiền hỗ trợ phần nào cho thành viên và thu xếp công nợ.

HTX của anh từng là một cái tên đình đám trong “làng” xây dựng, được nhiều người biết tiếng. Khi ấy phất lên, làm không hết việc, số thành viên góp vốn tăng, HTX mạnh tay mua sắm máy móc, thiết bị thi công hiện đại. Nhưng rồi dần dà, không bắt kịp thị trường, việc làm ngày càng khan hiếm, lâm cảnh nợ nần, thành viên “rơi rụng” dần...

Và trong sự tiếc nuối, anh thừa nhận rằng, HTX nói chung và HTX do anh làm chủ nhiệm nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, cả khách quan và chủ quan. Trong đó, khó khăn nhất là thiếu vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, dẫn đến HTX không mở rộng được hoạt động dịch vụ, hiệu quả hoạt động thấp, khả năng thực hiện liên kết, hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác... rất hạn chế.

Hơn nữa, với trình độ cán bộ quản lý HTX còn yếu kém; cung cách quản lý, làm ăn chậm cải tiến... như hiện nay, các HTX khó có thể cạnh tranh được với các loại hình kinh tế khác.

Bẵng đi cả năm, do điều kiện công việc, tôi ít có dịp tiếp xúc với kinh tế tập thể, hay cụ thể hơn là các HTX. Nhưng trong dòng chảy thông tin đầy ắp hàng ngày, tôi vẫn nghe HTX này ngừng hoạt động, HTX kia giải thể. Ở hầu hết các địa phương, số HTX thành lập mới hàng năm không đáng kể, trong khi số HTX hoạt động có hiệu quả lại càng ít...

Phong trào HTX được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động bằng việc kêu gọi nông dân tham gia mô hình HTX nông nghiệp trong năm 1946. Kể từ khi thành lập Liên minh Hợp tác xã Việt Nam năm 1961, phong trào HTX đã trải qua nhiều thách thức và cơ hội. Cùng với luồng gió đổi mới cách đây hơn 30 năm, HTX bắt đầu tìm được chỗ đứng phù hợp hơn trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, được thừa nhận đúng đắn trong hệ thống kinh tế và xã hội của đất nước.

Trong những năm qua, các HTX hoạt động dựa trên những giá trị về tự lực, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, công bằng, bình đẳng và đoàn kết; cũng như những giá trị đạo đức trung thực, cởi mở, trách nhiệm xã hội và quan tâm đến người khác. Với nền tảng đó, HTX được kỳ vọng không chỉ đem lại những đóng góp vô cùng giá trị cho sự phát triển về kinh tế và xã hội cho đất nước, mà còn giúp hàng triệu người dân cải thiện đời sống và phát triển kinh tế địa phương.

Đặc biệt, năm 2012, Luật Hợp tác xã có hiệu lực, đã tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển lớn mạnh hơn của HTX cũng như cho sự đóng góp của HTX cho kinh tế và xã hội.

Cho đến nay, không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của HTX, nhưng với sự cạnh tranh quyết liệt của các thành phần kinh tế, việc tìm được hướng đi mới cho HTX đang là một thách thức lớn.

Trưng bày sản phẩm nấm của HTX Cựu quân nhân Đăk Hring (huyện Đăk Hà) tại Hội chợ. Ảnh: TH

 

2. Nhân Ngày Quốc tế HTX năm nay, khi đến thăm một Hợp tác xã nông nghiệp, tôi đã tìm thấy phần nào câu trả lời cho vấn đề mà anh bạn  từng nêu ra, và cũng là trăn trở của nhiều người.

Được thành lập từ tháng 6/2012, với 7 thành viên tham gia góp vốn với tổng vốn điều lệ trên 1 tỷ đồng, đến tháng 4/2014, HTX này quyết định tập trung đầu tư cho hoạt động chế biến và thu mua sản phẩm cà phê, kèm theo đó là sự thay đổi quyết liệt về cán bộ quản lý, cơ sở kỹ thuật... Đến nay, nhờ sản xuất tập trung và theo đúng quy trình nên sản phẩm tiêu thụ tốt, được giá; thu nhập của thành viên được đảm bảo; HTX có vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất cà phê bột hiện đại...

Từ giữa năm 2015, sản phẩm của HTX được bày bán ở nhiều cửa hàng trên toàn quốc và xuất khẩu trực tiếp ra một số nước. Đây là một điều hiếm hoi, bởi cà phê Kon Tum phần lớn được bán thô cho các nhà phân phối nước ngoài, từ đó được gán nhãn mác và bao bì của hãng nước ngoài rồi mới tung ra thị trường. Chúng ta bán được hàng, nhưng không có thương hiệu và bị cắt ngọn phần giá trị gia tăng lớn nhất.

Với cách làm năng động, chuyển hướng kịp thời, bám sát nhu cầu thị trường, HTX này không chỉ xoá được ám ảnh “vô danh” của cà phê Kon Tum, mà còn thu được lợi nhuận nhiều hơn từ chính sản phẩm của mình. Hiện nay HTX đã phát triển chuỗi cung ứng rất có hệ thống, từ khâu sản xuất đến khâu marketing, vừa cải thiện sinh kế cho người lao động, tạo việc làm trực tiếp vừa đóng góp vào sự phát triển của kinh tế địa phương.

Không khó để tìm thấy những câu chuyện thành công như thế ở Kon Tum ngày nay. Đã có hàng loạt HTX sống được, sống khỏe từ sự chuyển hướng sang phát triển các sản phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường.

Tất nhiên, sự vươn lên ấy không hề dễ dàng, và cũng không phải HTX nào cũng có thể nắm bắt. Để có thể làm được điều kì diệu ấy, các HTX cần tự đổi mới mạnh mẽ ngay trong “cơ thể”. Đã qua rồi thời hoạt động bằng... kinh nghiệm, HTX cần có những nhà quản lý chuyên nghiệp hơn, không phải với tư duy của những nông dân “đi buôn” mà là tư duy của doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động được như một “cơ thể sống” với những xoay trở về nguồn vốn, nguyên liệu đầu vào, thị trường trong nước, khả năng xuất khẩu… Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ về chính sách, không thể “lo” luôn cả những vấn đề cụ thể.

Các HTX nông nghiệp nên làm tốt vai trò “cầu nối” giữa nông dân với doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữ vai trò chủ động đưa các giống lúa lai, lúa thuần vào gieo cấy; đồng thời vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế trang trại...

Bên cạnh đó, dù các HTX là do người dân tự thành lập dựa trên nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh, nhưng để HTX ổn định, phát triển, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách phù hợp, giúp họ tháo gỡ khó khăn. Khi thực hiện đổi mới HTX, cần xác định rõ mục tiêu, tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ” mà phải xác định đúng vai trò, vị trí, sự cần thiết của các HTX ở mỗi điều kiện cụ thể, cần loại hình tổ chức nào để xây dựng HTX theo nhu cầu của nông dân, chứ không phải lập theo số đông, ồ ạt như trước đây. Đối với những HTX thật sự khó khăn, không đáp ứng nhu cầu của người dân thì mạnh dạn giải thể.

Và cuối cùng, chính các HTX cần xác định, sự phát triển bền vững không phải là một phương án để cân nhắc, mà đó là cách duy nhất cần làm để đối mặt, vượt qua những thách thức trong hiện tại và tương lai.

Thành Hưng

Chuyên mục khác