Học để làm gì?

06/04/2018 17:57

Việc học hiện nay dường như chỉ chú trọng vào điểm số và số lượng chứ không vì mục tiêu hiểu kiến thức và vận dụng vào thực tế. Cũng vì điều đó nên không khó để hiểu trước con số của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thống kê: khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành và tính đến đầu năm 2017 có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp.

1. Mấy hôm nay, chị hàng xóm ăn không ngon, ngủ không yên chỉ vì… kỳ thi học kỳ II sắp đến. Chả là, sau đợt thi học kỳ I vừa rồi, vì đề từ Sở ra nên các em phải hệ thống, học hết kiến thức trong suốt học kỳ. Bởi vậy, với những môn xã hội, con chị mang về một rổ điểm 5, điểm 6. Rút kinh nghiệm học kỳ I, để con đạt kết quả cao trong học kỳ II, chị quyết dành thời gian, tự hệ thống lại kiến thức và học cùng con.

Nhớ lại những năm trước, khi bé cháu đang học lớp 4. Trước kỳ thi, cô giáo đưa ra những chủ đề cho môn tập làm văn để học sinh chuẩn bị. Sợ con không biết cách viết, mẹ cô bé liền viết sẵn bài văn mẫu, để con học thuộc, đến lúc thi chỉ việc lục trí nhớ ra và… chép. Đang nhớ bài văn này lại xọ sang bài văn kia, bởi vậy mới có chuyện mắt mẹ em long lanh như hai hạt nhãn, tóc mẹ em trắng muốt như sợi cước (nhớ sang bài tả bà em)!!!

Thi học kỳ không đơn thuần là quá trình đánh giá lại kiến thức của các em, đó còn là thời điểm để học sinh ôn tập, một lần nữa hệ thống lại kiến thức, từ đó nhớ lâu hơn, vận dụng cho những bài tiếp theo. Kiến thức nào cũng quý giá, và quan trọng hơn hết chính là tinh thần tự học của các em.

Cũng có thể việc bố mẹ làm sẵn bài văn, tóm lược các nội dung chính trong từng bài sẽ giúp các em dễ học, đạt được điểm số cao, nhưng chính điều đó làm mất tinh thần tự giác học tập của các em. Vì quen được… dọn sẵn nên nhiều em đâm ra ỉ lại, khi không có sự giúp đỡ thì ngơ ngác, không biết cách phải hệ thống ra sao, học thế nào. Bởi vậy mới có chuyện, nhiều em vừa được học sinh giỏi, chỉ cần thay đổi cách thi, lại đem về một rổ điểm trung bình.

2. Sáng thứ 2, cậu em xin về một đơn vị thực tập. Được 1 tuần, tối Chủ nhật, cậu lại nhắn tin xin nghỉ, tất bật khăn gói, bắt xe gần 300km ra trường để hoàn thành một môn học khác trong đúng kỳ thực tập. Dạy học trong đợt thực tập, việc trớ trêu ấy khiến cậu xoay như chong chóng.

Cậu nói rằng, 1 tuần, cả lớp cậu phải tập trung tại trường vào ngày thứ 2 để hoàn thành môn. Bởi vậy, cứ tối Chủ nhật cậu bắt xe đi, đợi đến tối thứ 2 học rồi lại bắt xe về. Sau này, đẩy nhanh tiến độ học tập, để sớm hoàn thành môn, giảng viên bộ môn đẩy thời gian học thêm vào ngày thứ 4. Thế là, cứ tối chủ nhật đi, đến tận sáng thứ 5 cậu mới quay trở về đơn vị thực tập.

Chúng tôi lấy làm thắc mắc, đợt thực tập chỉ vỏn vẹn 30 ngày, lại bố trí lịch học trong đúng kỳ thực tập, vậy thời gian ở đâu để sinh viên thực tập? Đối với những sinh viên đăng ký thực tập tại các cơ quan cách trường đến 500km hoặc xa hơn, phải sắp xếp, đi lại như thế nào để đảm bảo đôi đường? “Em cũng thấy bức xúc nhưng không làm gì khác được. Mấy bạn trong lớp cũng đi đi về về như vậy”- cậu em lắc đầu ngao ngán.

Hết 2 buổi học ở trường theo lịch học về, cậu lại cắm đầu cắm cổ vào làm báo cáo dài khoảng 30 trang vì giảng viên hướng dẫn thực tập… hối. Cậu nói rằng, theo “ba rem” điểm, các phần trong báo cáo: giới thiệu, lịch sử hình thành của đơn vị đang thực tập; các thời giám đốc… mới là quan trọng. Và những kết quả thực tế chỉ là phần phụ. Và cậu cũng phải cố hoàn thành để đảm bảo thời hạn nộp cũng như kết quả đợt thực tập.

Học một ngành làm chuyên môn, đi thực tập để làm báo cáo rỗng, với cách đào tạo và yêu cầu trên, thiết nghĩ chẳng cần phải cho sinh viên đi thực tập, chỉ cần ở nhà, lên mạng gõ, tìm hiểu, chép vào báo cáo thế là xong. Để sinh viên tiếp xúc, làm quen với công việc, trưởng thành hơn sau quá trình thực tập… có lẽ không phải là mục tiêu mà ngôi trường này hướng đến!?.

3. Mới kết thúc quá trình học cao đẳng nên năm nay anh bạn tôi quyết tâm học liên thông để lấy tấm bằng đại học. Mang tiếng đi học nhưng thực tế thời gian học rất ít, đa số thời gian lên để… nộp tiền.

Nhẩm tính anh bảo, 1 kỳ học phí của anh lên đến mười mấy triệu, chưa kể tiền nộp quỹ lặt vặt cũng thêm vài triệu đồng; và cho đến lúc ra trường, cầm tấm bằng trên tay, phải ngót nghét gần trăm triệu.

Anh còn dẫn chứng cụ thể, mới đây, anh cầm tiền lên nộp để học môn Anh văn và Tin. Điều đáng nói, cả lớp chỉ lên nộp tiền và không phải học, chỉ đợi đến lúc đi thi. Không học sao có thể thi được?- chúng tôi hỏi. Anh chỉ cười và bảo: rồi cũng đạt hết thôi!

Anh nói anh chỉ cần tấm bằng và thầy cô cũng hiểu được việc ấy nên việc dạy cũng chỉ mang hình thức… cho xong. Bởi vậy, việc học rất nhẹ nhàng. Đủ tín chỉ, đủ năm sẽ… ra trường.

Hiện nay cả nước có đến 412 trường đại học, cao đẳng. Việc học đại học quá dễ dàng nên có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển.

Việc đào tạo đại học ồ ạt, mải mê chạy theo số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng đông sinh viên không có khả năng tiếp cận với công việc mình học, không tiếp cận được với thị trường lao động. Nhiều cử nhân may mắn chọn được công việc lại phải nhờ công ty, đơn vị đào tạo lại hoặc chấp nhận làm trái ngành.

Ba câu chuyện thực tế đã đặt ra câu hỏi: học để làm gì? Việc học hiện nay dường như chỉ chú trọng vào điểm số và số lượng chứ không vì mục tiêu hiểu kiến thức và vận dụng vào thực tế. Cũng vì điều đó nên không khó để hiểu trước con số của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thống kê: khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành và tính đến đầu năm 2017 có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp.

Bình An

Chuyên mục khác