Hồ Chí Minh - Một nhân cách lớn

19/05/2019 14:42

Cách đây tròn 129 năm, tại làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã cất tiếng khóc chào đời. Người ấy sau này đã trở thành biểu tượng của một phong cách, đạo đức cách mạng sáng ngời; biểu tượng của phong trào đấu tranh chống áp bức, giải phóng dân tộc toàn cầu; biểu tượng của một tư tưởng vĩ đại trong phong trào công nhân lao động và giai cấp vô sản Việt Nam cũng như của thế giới - Người chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kiệt xuất của phong trào cách mạng và giai cấp vô sản Việt Nam.

Yêu nước, thương dân chính là lý tưởng cao cả nhất của Người, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nào cũng luôn lo nghĩ cho dân, cho vận mệnh của nước nhà. Nỗi lo toan gánh vác sơn hà, lo cho dân tộc Việt Nam đã trở thành một niềm riêng đau đáu, trở thành một hoài bão lớn lao lúc nào Người cũng canh cánh bên lòng.

Trong một lần trả lời phỏng vấn nhà báo nước ngoài, Người đã nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Đó cũng chính là thông điệp về tình thương yêu vô bờ bến mà Người đã gửi đến quốc dân đồng bào, trở thành ngọn cờ lý tưởng khi chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến bến bờ vinh quang, đi đến mục tiêu như hoài bão của mình.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền còn non trẻ, phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài, thiên tai và “giặc đói”, “giặc dốt” hoành hành, giữa bộn bề khó khăn và thách thức ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh với trí tuệ mẫn tiệp, đã nêu rõ 4 mục tiêu của chính quyền cách mạng hướng tới là: làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành.

Để giải quyết nạn đói do sự bóc lột nhân dân đến tận xương tủy của thực dân Pháp để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng Chính phủ phát động chiến dịch tăng gia sản xuất và mở cuộc lạc quyên cứu đói.

Ngày 7/12/1945, trong thư gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!… Đó là cách thiết thực để chúng ta giữ vững quyền tự do, độc lập”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, cả nước thi đua thực hiện “tấc đất, tấc vàng”, “không một tấc đất bỏ hoang”. Người cùng các bộ trưởng và nhân viên Chính phủ cùng tham gia sản xuất sau giờ làm việc. Trong khi chờ đợi thu hoạch hoa màu, Người kêu gọi toàn dân thực hành tiết kiệm, phát động phong trào “hũ gạo kháng chiến” để nuôi quân.

Bác Hồ thăm nông dân xã Ái Quốc, tỉnh Hải Hưng. Ảnh: TL

 

Bằng tất cả tình yêu thương đối với đồng bào ruột thịt, Người đã viết thư động viên đồng bào cả nước nêu cao tinh thần nhường cơm sẻ áo, với những lời lẽ thiết tha, xúc động.

Người viết: “Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa, đem gạo đó để cứu dân nghèo”.

Tại buổi khai mạc lạc quyên tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Người đã gương mẫu đem phần gạo nhịn ăn của mình lạc quyên trước tiên. Tấm gương của vị Chủ tịch nước đã khích lệ đồng bào cả nước.

Phong trào tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách với nhiều hình thức phong phú như “hũ gạo cứu đói”, “ngày đồng tâm nhịn ăn”... được tổ chức ở khắp cả nước.

Nhờ sáng kiến đó, mỗi tuần, nhân dân cả nước đã quyên được hàng vạn tấn gạo cứu đói, giúp cho nhiều người nghèo vượt qua nạn đói khủng khiếp năm 1945.

Tôi còn nhớ như in những mẩu chuyện đầy cảm động của vị Chủ tịch nước kính yêu về tinh thần nêu gương và tiết kiệm. Chuyện là, một hôm, Bác đi họp về, sợ Bác đói, nhà bếp vẫn để dành cơm cho Bác, nhưng Bác kiên quyết từ chối không ăn, mặc dù Bác chưa ăn cơm. Vì hôm đó đúng bữa nhịn của Bác để góp vào hũ gạo tiết kiệm.

Hoặc là câu chuyện, chiều hôm ấy biết tới bữa Bác phải nhịn ăn, các đồng chí Trung ương “lập kế hoạch” đưa Bác đi thăm huyện Gia Lâm, để các đồng chí ấy mời cơm đãi Bác, bù vào bữa Bác nhịn ăn, vì thấy sức khỏe Bác không được tốt. Nhưng sợ Bác phê bình, nên các đồng chí ở Trung ương dặn dò các đồng chí ở Gia Lâm làm cơm bình thường, chỉ là rau luộc, dưa cà, cá kho mà thôi.

Sáng hôm sau, Bác dậy sớm và đi xuống nhà bếp, dặn người phục vụ đừng nấu cơm cho Bác. Người phục vụ ngạc nhiên nói: Hôm nay tới bữa Bác ăn, ngày qua Bác nhịn rồi mà. Bác nhẹ nhàng nói: Đúng theo lịch thì hôm qua Bác nhịn ăn, nhưng ngày hôm qua Bác ăn ở Gia Lâm rồi, khẩu phần hôm nay trừ vào bữa hôm qua.

Là một vị Chủ tịch nước, khi về thăm các địa phương, Bác thường không báo trước để tránh đón rước linh đình, gây phiền hà và tốn kém của nhân dân. Ðồng thời, Người còn nhắc các đồng chí đi cùng chuẩn bị cơm nắm với muối vừng mang theo để tiết kiệm gạo, tiền của nhân dân.

Thế đấy, một vị Chủ tịch nước mà ngay cả bữa ăn cũng nêu gương để lo cho nước, cho dân. Nhân cách và đạo đức của Người thật là vĩ đại và cảm động biết bao!

Biết bao câu chuyện về Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trên trang giấy này không thể nào bày tỏ hết. Chỉ biết rằng, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta suốt đời luôn nêu gương từ lời nói đến việc làm, hành động cách mạng. Ngay cả một bữa ăn đạm bạc chỉ dưa cà, cá kho cho riêng mình, Người vẫn luôn nêu gương tiết kiệm, cũng bởi vì Người nghĩ đến còn rất nhiều đồng bào vẫn chưa được bữa cơm no…

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người là hiện thân của khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và của cả nhân loại. Người là ánh hào quang chói lọi về một nhân cách, đạo đức sáng ngời. Xin gửi về Người với tất cả lòng kính yêu!

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác