Hãy tri ân thầy, cô bằng sự kính trọng thiêng liêng

25/11/2018 17:01

Dân tộc ta có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”; đó là truyền thống tốt đẹp của một dân tộc văn hiến và hiếu học có từ lâu đời. Vì thế mà từ xa xưa, ông cha ta đã có câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, hay như “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy), “Không thầy đố mày làm nên”, “Mười năm đèn sách luyện rèn, công danh gặp bước chớ quên người thầy”.

Câu nói của người xưa luôn nhắc nhở cho mỗi thế hệ người Việt Nam phải tôn kính và nhớ đến công ơn của thầy cô giáo - những người đã dành cả trí tuệ, tâm huyết để dạy dỗ, đào tạo bao thế hệ học trò trở thành những con người có ích cho xã hội, cho đất nước; chắp cánh để đưa bao thế hệ học trò đam mê khám phá tri thức của nhân loại...

Thể hiện đạo lý và truyền thống tốt đẹp “tôn sư trọng đạo” ấy, hàng năm, mỗi dịp đến ngày Nhà giáo Việt Nam, ai trong chúng ta cũng đều thể hiện tấm lòng tri ân đến thầy cô giáo của mình bằng những việc làm hết sức ý nghĩa.

Dù đang ngồi trên ghế nhà trường hay đã trưởng thành và đi đâu, làm gì đi nữa thì cứ đến tết thầy cô giáo, các thế hệ học trò cũng đều dành thời gian để thăm hỏi thầy cô của mình. Mỗi người có một cách tri ân khác nhau, nhưng cao đẹp nhất đó là tất cả đều phải  xuất phát từ tấm lòng và tình cảm yêu thương, chân thành nhất dành cho thầy cô…

Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ của kinh tế thị trường, không biết vô tình hay cố ý mà cũng có khá nhiều người hiểu sai ý nghĩa của việc tri ân, làm lệch lạc đi sự kính trọng thiêng liêng đối với người thầy.

Thay vì thể hiện lòng tri ân sâu sắc của tình yêu thương, nhiều người đã chọn những món quà có giá trị to lớn về vật chất, thậm chí là những chiếc phong bì mà trong đó sự “kính trọng” được đo đếm theo số lượng của những tờ giấy được phát hành từ ngân hàng…

Chính những việc làm như thế này vô hình chung các bậc cha mẹ đã đặt một dấu hỏi khó lời giải thích phía sau hai chữ “nhân cách” của những thầy, cô giáo đang “lao tâm, khổ tứ” dạy dỗ con em  mình. Bởi vậy, bên cạnh những tình cảm thiêng liêng nhất đọng lại ở mỗi người, vẫn còn những đau đáu niềm riêng khiến chúng ta phải trăn trở, nghĩ suy…

Tôi có người em bà con có hai con đang học trung học cơ sở, hai đứa cháu đều thuộc diện học khá, giỏi của lớp. Sắp đến ngày 20/11, tôi thấy chú em tôi bàn với vợ: “20/11 năm nay “đi quà” gì cho thầy, cô mấy đứa nhỏ”. Người em dâu tôi trả lời một cách thản nhiên: “Bỏ phong bì cho gọn nhẹ”.

Tôi thấy lạ bèn góp ý: Tụi em làm như vậy là không được rồi. Các thầy, cô giáo có đòi hỏi đâu mà các em phải làm như vậy. Như thế là tự làm hỏng con mình quen thói ỷ lại. Với lại làm như vậy là thiếu sự kính trọng đối với thầy cô giáo…

Nghe vậy, cô em dâu họ của tôi ngại ngùng chống chế: Nhiều khi mình không biết mua gì nên đi phong bì là tiện nhất anh ạ.

Trong lúc ngồi trò chuyện ở nhà em họ, tôi đã kể cho cô ấy nghe một câu chuyện đi tết thầy cô từ chính bản thân mình, diễn ra cách đây cũng đã nhiều năm.

Ngày 2 đứa con tôi còn nhỏ, mỗi khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi và vợ đều chọn mua một lẵng hoa thật đẹp để đến nhà tặng cho cô giáo chủ nhiệm của con mình. Cùng đi mua hoa tặng các thầy cô giáo của con em mình, nhiều bậc phụ huynh còn kèm theo chiếc phong bì nho nhỏ, có người tặng kèm thêm xấp vải áo dài hay lọ nước hoa đắt tiền… Thấy thế, vợ tôi tỏ ra ái ngại và lo lắng sợ con mình bị thua thiệt. Lúc đó, tôi đã khuyên nhủ vợ: Không sao đâu, mình có tấm lòng thành, chắc chắn thầy, cô sẽ đón nhận.

Và khi vợ chồng tôi đến tặng bó hoa cho cô giáo, nói lên suy nghĩ từ chính đáy lòng của mình, thật không ngờ là cô giáo ấy đã đón nhận bó hoa với một quầng sáng long lanh trong khóe mắt. Tôi biết cô giáo đang thật sự xúc động trước tình cảm chân thành của vợ chồng tôi…

Tôi vẫn biết rằng, những món quà đắt tiền mà các bậc cha mẹ kia tặng cô giáo chủ nhiệm đó cũng chính là xuất phát từ tấm lòng đối với người có công dạy dỗ con mình. Nhưng tôi tin chắc rằng, có lẽ món quà mà cô giáo chủ nhiệm ấy cần chính là những gì đó cao cả hơn, thiêng liêng hơn, được minh chứng bằng trách nhiệm giảng dạy và chất lượng học tập thật sự của con em mình, chứ không phải chỉ là những món quà tuy giá trị về vật chất nhưng chỉ là sự im lặng của vật vô tri, vô giác bình thường…

Tôi cũng có nhiều dịp đi tác nghiệp ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, được chứng kiến, trải nghiệm sự dạy - học ở những nơi này, càng thấy được giá trị đích thực và ý nghĩa của ngày Nhà giáo.

Ở đây, những thầy, cô giáo tuổi đời còn quá trẻ, từ nhiều vùng quê khác nhau, đã tình nguyện cõng ba lô, vượt đại ngàn để đem từng con chữ cho các em học sinh. Họ tâm nguyện một điều, niềm vui lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất chính là các em học sinh đi học đầy đủ, chuyên cần, tiếp thu bài giảng để làm hành trang cho mình khi bước vào tương lai; hoặc giản dị và cao quý hơn là một đóa hoa rừng còn ướt đẫm sương mai mà các em học sinh hái vội trên lối mòn khi đến lớp…, là những món quà ý nghĩa nhất mà các em học sinh thân yêu đã gửi đến thầy cô giáo của mình với tất cả tấm lòng và sự tri ân.

Và tôi cũng tin chắc rằng, mỗi khi ngày Nhà giáo Việt Nam đến, từ đáy lòng sâu thẳm của mỗi thầy, cô giáo tâm huyết với nghề đều mong muốn các em học sinh mình dành những tình cảm thiêng liêng nhất, bằng chính sự học tập chuyên cần và cố gắng, để trở thành những con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là chủ nhân tương lai của nước nhà.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác