Hãy là một cư dân mạng tỉnh táo và có trách nhiệm

24/02/2020 06:08

Thời gian gần đây, Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều trường hợp đưa thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 lên mạng xã hội nhằm mục đích câu like, thu hút sự chú ý. Vấn đề đặt ra là, mỗi người trong chúng ta, khi tương tác trên không gian mạng, cần tỉnh táo để nhận diện những thông tin sai lệch.

Ngay tại tỉnh ta, ngày 18/2 đã có một trường hợp bị cơ quan Công an mời lên làm việc vì thông tin sai sự thật về dịch Covid-19.

Theo thông tin từ cơ quan Công an, ngày 14/2, chị M.T.N.B. (trú tại phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân bài viết có nội dung: “Nhật Bản kiểm soát gắt mà lên con số nhiễm dịch bệnh 247 người, còn VN thì chỉ có 16 người chứng tỏ VN mình quá giỏi phải không ah???? Các bạn có thấy lạ không”. “Nghe con bạn thân ở SG bên Q9 có 2 bé bị nhiễm mà không ai dám đăng lên”.

Rất nhanh chóng, các thông tin sai sự thật trên lan truyền và gây hoang mang, lo lắng trong dư luận ở địa phương.

Ngày 18/2, Phòng An ninh Chính trị nội bộ (Công an tỉnh) phối hợp cùng Công an thành phố Kon Tum tiến hành làm việc đối với chị M.T.N.B; phân tích, giải thích để chủ tài khoản hiểu được những hoạt động của bản thân là vi phạm pháp luật; chỉ rõ những tác động, ảnh hưởng của hành vi đó đối với dư luận xã hội.

Để phòng chống dịch Covid-19, hầu hết người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum đều đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc nơi công cộng. Ảnh: Thùy Hương

 

Lẽ tất nhiên, chị B. đã nhận ra việc làm của mình là sai và đăng tải thông tin đính chính trên tài khoản Facebook cá nhân, đồng thời viết cam kết không đăng tải những thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội.

Nhưng tác động xấu của những dòng thông tin sai lệch trên đối với dư luận không phải dễ dàng xóa bỏ. Bởi ngay khi B. đăng tải, đã có nhiều bình luận cho rằng “cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm, chưa kịp thời cách ly người đang sống ở vùng dịch; che giấu thông tin người bệnh...”.

Thật tình, nhiều người không bất ngờ lắm khi nghe chuyện chị B. bị xử lý vì hành vi thông tin sai sự thật về dịch Covid- 19. Bởi suy cho cùng, trong thời điểm tin tức về dịch bệnh này đang trở thành tâm điểm trên báo chí và mạng xã hội thì khó tránh khỏi những trường hợp, vì những mục đích khác nhau, có hành vi thông tin sai lệch.

Thời gian gần đây, Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều trường hợp đưa thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 lên mạng xã hội nhằm mục đích câu like, thu hút sự chú ý.

Vấn đề đặt ra là, mỗi người trong chúng ta, khi tương tác trên không gian mạng, cần tỉnh táo để nhận diện những thông tin sai lệch. 

Không thể phủ nhận một thực tế là, thông tin trên mạng xã hội rất nhanh nhạy và tức thời. Người ta có thể dễ dàng truy cập những kiến thức, chia sẻ thông tin một cách dễ dàng, từ đó có những định hướng trong kinh doanh, phát triển kinh tế, phòng ngừa tội phạm và các loại dịch bệnh.

Tuy nhiên, khi sử dụng mạng xã hội đòi hỏi mỗi người cần tỉnh táo để tránh bị tin giả đánh lừa. Những thông tin hỗn loạn trên mạng xã hội tạo cho công chúng một sự hoang mang rất lớn và họ không biết tin vào nguồn tin nào cả.

Như trong thời gian qua, hàng trăm, hàng nghìn thông tin về dịch Covid- 19 đã được lan truyền một cách chóng mặt trên mạng xã hội, trong đó có nhiều thông tin sai lệch, thông tin giả gây nhiễu loạn, làm mất lòng tin của cộng đồng, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của nạn tin giả, tin sai sự thật, Chính phủ, các bộ ngành liên quan, các tỉnh, thành phố đã có những động thái vào cuộc  xử lý một cách quyết liệt. 

Ngày 2/2/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chỉ thị 05/CT-BTTTT về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh do nCoV gây ra, trong đó yêu cầu kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội.

Ngày 3/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định mới quy định rõ hơn các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trước đây.

Cụ thể, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Ngoài ra, tùy theo hành vi vi phạm của cá nhân mà pháp luật có hình thức xử lý khác nhau, có thể là xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trở lại với câu chuyện về cuộc chiến chống dịch Covid- 19, song hành với nỗ lực phòng chống dịch bệnh, cơ quan chức năng đã và đang đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin sai sự thật, gieo rắc nỗi lo sợ, hoang mang trong dư luận. Các  chuyên gia cho rằng, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực hết sức, triển khai nhiều giải pháp để chủ động phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người dân, thì mỗi cá nhân bên cạnh việc tự bảo vệ bản thân, cần có ý thức góp sức cùng phòng chống dịch.

Theo đó, mỗi người dân cần tỉnh táo tiếp nhận thông tin chính thống về tình hình dịch Covid- 19, từ đó có biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất; tránh tiếp nhận, phát tán những thông tin không đúng về tình hình dịch bệnh, gây hoang mang lo lắng, phức tạp thêm tình hình phòng, chống dịch bệnh.

Hãy là một cư dân mạng tỉnh táo và có trách nhiệm!

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác