Hãy cứu rừng Tây Nguyên khi chưa quá muộn

01/08/2016 07:47

Cùng với việc diện tích rừng suy giảm, với điều kiện địa hình và mùa khô khắc nghiệt kéo dài, nếu không có những biện pháp bảo vệ nguồn nước phù hợp, sử dụng khôn khéo và hiệu quả, thì Tây Nguyên sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngày càng nghiêm trọng...

Cùng với lệnh đóng cửa rừng Tây Nguyên của Thủ tướng Chính phủ, mới đây Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp với Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Trung tâm Con người và thiên nhiên tổ chức một hội thảo “An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế- xã hội vùng Tây Nguyên”.

Có thể nói, đây là một tín hiệu vui về sự quan tâm của Nhà nước và các cơ quan chức năng, các nhà khoa học đối với vấn đề hết sức quan trọng liên quan đến sự sống của con người đó là nguồn tài nguyên nước - một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Vì thế, vấn đề quan trọng bảo tồn các giá trị của rừng Tây Nguyên nhằm "tháo gỡ tận gốc" những thách thức về tài nguyên nước khi mất rừng, trước khi mọi việc trở nên muộn màng.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: V.N

 

Trong suốt 4 thập kỷ qua, rừng Tây Nguyên đã bị suy giảm rất nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê năm 2015, tổng diện tích rừng còn trên 2,567 triệu héc ta; trong đó rừng tự nhiên chiếm trên 2,253 triệu héc ta, rừng trồng chiếm trên 313.000ha. Các loài gỗ quý cũng suy giảm nghiêm trọng về trữ lượng và diện phân bổ. Nhiều loại động, thực vật không còn khả năng tái sinh. Sự suy giảm tài nguyên rừng cũng là nguyên nhân chính làm cho khí hậu diễn biến bất thường như hạn hán, lũ quét, mùa khô đến sớm và kéo dài, nhiệt độ trung bình hàng năm tăng lên. Nghiêm trọng hơn, trong tương lai nếu không kịp thời giữ rừng, nguy cơ tài nguyên nước ở Tây Nguyên dần cạn kiệt là điều không thể tránh khỏi.

Rừng Tây Nguyên suy giảm có "bàn tay thảm sát" không thương tiếc của con người. Mặc dù, Nhà nước đã nghiêm cấm và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng vì nguồn lợi khổng lồ đem lại mà lâm tặc đã lén lút phá rừng và móc ngoặc với một số ít phần tử cán bộ tha hóa, biến chất để tàn phá rừng. Bên cạnh đó, một số dự án phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh Tây Nguyên còn có kẽ hở trong quá trình triển khai thực hiện tạo điều kiện kẻ xấu lợi dụng để phá rừng. Đó là tình trạng phát triển thủy điện ồ ạt là những dự án chuyển đổi rừng nghèo sang làm kinh tế... nhưng một số dự án đó đã bị một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để thực hiện hành vi phá rừng làm giàu bất chính... Chính những việc làm này góp phần làm tài nguyên rừng suy giảm nghiêm trọng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan.

Những năm gần đây, nhiều dự án thủy điện ở Tây Nguyên được khởi công xây dựng rầm rộ. Chúng ta không phủ nhận những lợi ích thiết thực từ các nhà máy thủy điện đã đem lại cho đất nước, cho xã hội. Nhưng chúng ta cũng không đồng tình với việc cho phép xây dựng thủy điện tràn lan, thiếu khoa học, bất chấp, bằng mọi giá mà chưa hề tính tới những hệ lụy của nó. Cứ mỗi một công trình thủy điện được khởi công, cùng đồng nghĩa với việc nhiều cánh rừng, đất đai nằm trong vùng dự án bị mất đi, nhiều dòng sông bị uốn dòng chảy…

Những hệ lụy do thủy điện gây ra đã dẫn đến việc rà soát và giám sát của Quốc hội vào năm 2013 và đã quyết định tạm dừng hơn 400 thủy điện trong phạm vi cả nước vì tính hiệu quả và đặc biệt là tác động đến môi trường. Riêng Tây Nguyên, các tỉnh đã phải xem xét và chấm dứt, loại bỏ ra khỏi quy hoạch 88 thủy điện, riêng tỉnh ta đã loại bỏ 21 thủy điện vì hiệu quả thấp…

Hẳn chúng ta đều biết, tài nguyên nước, tài nguyên đất, tài nguyên rừng và tài nguyên sinh vật là các tài nguyên thiên nhiên lớn nhất và quan trọng nhất của Tây Nguyên. Các nguồn tài nguyên này có quan hệ mật thiết với nhau. Nước là nguồn cung cấp sự sống cho cây rừng, tạo nên sự phong phú cho đất và tính đa dạng sinh học. Rừng có tác dụng bảo tồn nguồn nước và bảo vệ đất, ví như mái nhà sinh thái cho sinh vật rừng. Mất rừng là mất tài nguyên nước.

Với độ cao về địa lý của Tây Nguyên, các lưu vực khác không thể chuyển nước lên Tây Nguyên, mà chính Tây Nguyên còn chia sẻ nước cho các vùng hạ lưu. Muốn đảm bảo cân bằng sinh thái, Tây Nguyên cần giữ lại ít nhất 60% nguồn nước tự nhiên. Do vậy, cần có một chiến lược lâu dài trong quản lý tài nguyên nước ở các khu vực sông, mà muốn làm điều đó thì phải giữ lấy rừng.

Cùng với việc diện tích rừng suy giảm, với điều kiện địa hình và mùa khô khắc nghiệt kéo dài, nếu không có những biện pháp bảo vệ nguồn nước phù hợp, sử dụng khôn khéo và hiệu quả, thì Tây Nguyên sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngày càng nghiêm trọng. Sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước, đặc biệt là nước tưới cho nông nghiệp và cây công nghiệp vượt quá khả năng đáp ứng nguồn nước của Tây Nguyên vào mùa khô…

Hội thảo lần này bàn về bảo vệ nguồn tài nguyên nước quý giá cần cho sự sống của con người, cũng chính là bàn về việc gìn giữ rừng ở Tây Nguyên - cái gốc của việc giữ gìn nguồn nước; là bức thông điệp phát đi cảnh báo về nguy cơ an ninh nguồn nước do mất rừng. Bức thông điệp từ hội thảo đã bàn đến những biện pháp phát triển rừng, bảo tồn tài nguyên nước cùng với hệ sinh thái, gắn kết với phát triển kinh tế- xã hội toàn vùng Tây Nguyên. Điều đó cũng nhắc nhở với chúng ta: hãy giữ lấy rừng khi chưa quá muộn.

 Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác