Hãy chia sẻ với người chăn nuôi

24/03/2019 17:17

Thời gian qua, thông tin bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở các tỉnh, thành đã gây tâm lý hoang mang đối với nhiều hộ chăn nuôi và cả người tiêu dùng thịt lợn trên địa bàn tỉnh ta.

Không ít người tiêu dùng không còn mặn mà chọn mua thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Thêm vào đó, những ngày gần đây, các trang mạng xã hội lại bùng phát những thông tin thất thiệt về sự nguy hiểm của bệnh dịch, khiến người dân càng hoang mang, không dám dùng thịt lợn và các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn trong các bữa cơm gia đình với suy nghĩ: “Thịt tươi sống còn dễ bị mua nhầm, huống chi đã qua chế biến thì càng dễ bị mắc phải lợn chết, lợn bị bệnh…”.

Những suy nghĩ và trăn trở của người dân cũng dễ hiểu khi mà các sản phẩm thịt bẩn, thịt kém chất lượng trước đây vẫn lén lút “tuồn” vào địa bàn tỉnh ta, bất chấp sự kiểm tra, kiểm soát gắt gao của lực lượng chức năng.

Việc “từ chối” dùng thịt lợn của người tiêu dùng đã dẫn đến hệ lụy là các gian hàng bán thịt lợn ở các điểm chợ trở nên ế ẩm, giá thịt lợn giảm… Hậu quả cuối cùng là người chăn nuôi chịu thiệt thòi nhất.

Đối với nhiều người nông dân, ngoài việc trồng trọt, thông thường còn đầu tư vào chăn nuôi lợn để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Để gầy được đàn lợn, nhiều gia đình đã phải vay mượn hàng trăm triệu đồng, đồng thời phải bỏ ra rất nhiều công sức để gầy đàn.

Thế nhưng, việc chăn nuôi của người nông dân đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ mà luôn bị sức ép từ nhiều phía, có nguy cơ trắng tay bởi những rủi ro mang lại như các loại dịch bệnh bùng phát hay bị tư thương ép giá.

Hẳn ta còn nhớ, vào tháng 4 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn hỏa tốc kêu gọi chính quyền các địa phương vào cuộc “giải cứu” thịt lợn đang tồn đọng, bởi giá thịt bị giảm sâu khiến người nông dân, nhất là những người trực tiếp chăn nuôi điêu đứng.

Thời điểm đó, đã không ít người chăn nuôi nhìn đàn lợn của gia đình mình đang nuôi mà ngao ngán, đứng ngồi không yên. Khi đó, nhiều hộ chăn nuôi có suy nghĩ, chỉ cần giá lợn xuất ra thị trường huề vốn hoặc chịu lỗ một phần cũng sẵn sàng “bán đổ bán tháo” rồi bỏ chuồng, không bao giờ nuôi lợn nữa.

Trước tình cảnh người tiêu dùng “quay lưng” với thịt lợn bởi dịch bệnh bùng phát ở một số địa phương thì người chăn nuôi rất có nguy cơ sẽ rơi vào tình cảnh “khóc dở, mếu dở” như cách đây hai năm về trước. Rõ ràng, một khi đã không bán được lợn thì đàn lợn vẫn sẽ phải được cho ăn hàng ngày, mặc dù đã đến giai đoạn xuất chuồng; trong khi đó chi phí thức ăn cho đàn lợn không giảm.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn Châu Phi diễn ra vào sáng 4/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải tuyên truyền để người dân không hoang mang, bán tháo lợn hay quay lưng với thịt lợn sạch.

Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chính là một thông điệp về sự an tâm, một kiểm chứng về an toàn thực phẩm đối với thịt lợn không bị bệnh. Bởi vậy, không có lý do gì mà người tiêu dùng “quay lưng” với thịt heo, một khi nơi địa phương mình đang sinh sống chưa có dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng nhằm kiểm soát thịt lợn được bán ra trên thị trường.

Và để thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được mọi người dân đón nhận, động thái đầu tiên chính là các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh ta cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển các loại thực phẩm, trong đó có thịt lợn vào địa bàn tỉnh; đồng thời cần tổ chức triển khai tốt công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, xem đây là công việc không chỉ của một cấp, một ngành mà phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, không để người chăn nuôi bán tháo lợn, người tiêu dùng “quay lưng” với thịt lợn.

Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương cũng cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Trước tình hình tiêu thụ thịt lợn có xu hướng sụt giảm, vì sự ổn định của ngành chăn nuôi tỉnh nhà, vì lợi ích chính đáng của người chăn nuôi, mọi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, không “quay lưng”, “tẩy chay” thịt lợn sạch.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác