Giáp tết, nóng chuyện pháo lậu

21/01/2018 21:36

Năm nào cũng vậy, càng gần đến Tết Nguyên đán thì chuyện buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo lậu trên địa bàn tỉnh càng trở nên nóng bỏng. Tết Mậu Tuất 2018 này cũng không phải là ngoại lệ.

Phương tiện thông tin đại chúng cả tháng nay liên tục đưa tin phát hiện, bắt giữ các vụ vận chuyển pháo lậu quy mô lớn, từ vài chục đến vài trăm kilôgam với các thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Hết lực lượng biên phòng, hải quan bắt giữ các đối tượng vận chuyển pháo lậu qua vùng biên Ngọc Hồi, lại đến lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện xe khách, xe taxi chở pháo lậu trên đường đi tiêu thụ…

  Cha ông ta từ xưa đã có câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” - những thứ mặc định để làm nên phong vị ngày tết. Khi ấy, có khó mấy thì trước tết nhà nào cũng cố gắng dành dụm tiền mua cho được tràng pháo với hy vọng, pháo nhà mình nổ càng to, giòn giã như càng báo hiệu một năm mới may mắn, tài lộc.

Đó là chuyện của hơn 20 năm trước…

Từ năm 1995, Chính phủ đã có Chỉ thị về việc cấm sản xuất, buôn báo và đốt pháo. Cấm vì dù là thú vui mang phong vị ngày tết nhưng kèm theo đó không ít câu chuyện đau lòng xảy ra như: cháy nhà, chết người, thương tật suốt đời và cả ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng an ninh trật tự… sau tiếng pháo những tưởng là vui đó.

Nhưng, cấm là vậy vẫn có không ít người làm trái. Nơi nọ, vẫn còn đì đẹt tiếng pháo vì họ cho rằng Tết không có pháo như thiếu vị, mất cả vui, lại không thể hiện được đẳng cấp… Có cầu ắt có cung, nơi kia, người nọ vẫn lén lút rủ rê người kia tham gia vận chuyển, buôn bán pháo lậu…

Ngăn chặn những việc làm trái, góp phần mang lại cho người dân một cái tết ý nghĩa và an lành, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát và có chế tài xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm. Thế nhưng, các đối tượng buôn lậu pháo vẫn bất chấp. Họ gọi buôn bán pháo là “một vốn bốn lời” vì “hàng” lấy từ Lào giá thành rẻ, đưa về nước thì dù giá bán sĩ hay bỏ lẻ cũng phải gấp 3-4 lần. Do lợi nhuận từ hành vi phi pháp này cao nên bất chấp các chế tài xử phạt, các đối tượng vẫn tìm mọi cách để đưa pháo đi các địa bàn tiêu thụ với hy vọng trót lọt, kiếm được số tiền lớn…

Không ít người đã đặt câu hỏi, vì sao mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ lậu luôn luôn nóng, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như hàng trăm, hàng nghìn kilogam pháo lậu đó vận chuyển, giao dịch trót lọt? Và liệu Tết có kém vui đi nếu thiếu pháo?

Đúng là, rằng vui thì thật là vui; nhưng, vui theo tràng pháo nổ chỉ dăm ba phút rồi cũng xong, còn tết thì cần được vui và vui trong nhiều ngày. Vui nhưng mà pháo nổ có những yếu tố tiêu cực, không  còn phù hợp với sự phát triển của xã hội thì cần phải loại bỏ.

Nên liệu có vui được không nếu như số pháo bị bắt giữ đó được giao dịch thành công, đến tay người tiêu dùng, để rồi chỉ vì một phút bất cẩn có thể gây thương vong suốt đời?

Và một khi vẫn còn có người quan niệm, thiếu pháo sẽ thiếu đi không khí ngày tết thì việc giải quyết tận gốc buôn bán pháo lậu vẫn là bài toán khó. Cùng với việc tuần tra, bắt giữ, xử phạt nghiêm các hành vi buôn bán, tàng trữ thì công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và xử phạt nghiêm minh hành vi đó, sử dụng pháo trái phép là hết sức cần thiết. Chỉ khi nào mỗi người đều hiểu rằng không có tràng pháo tết vẫn vui và đầy đủ phong vị thì theo quy luật không có cầu, ắt sẽ mất cung, nạn buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo lậu mới phần nào giảm.

Bình Toàn

 

Chuyên mục khác