Gia đình - nền tảng giáo dục nhân cách

29/06/2020 06:01

Theo thống kê của ngành chức năng, những năm gần đây, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật tăng và chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các vụ việc xảy ra. Qua phân tích của cơ quan chức năng thì đa số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật có hoàn cảnh gia đình éo le, ít nhận được sự quan tâm của cha mẹ; một số khác do gia đình thiếu phương pháp dạy dỗ, chiều chuộng nên dễ bị lôi kéo, sa ngã. Điều đó cho thấy vai trò của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục con cái là hết sức quan trọng.

Chuyện xảy ra đã lâu nhưng mỗi khi đề cập vai trò gia đình, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái, người dân ở khu vực phường Lê Lợi, Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum) vẫn thường nhắc đến trường hợp Lê Hoàng Anh T. (SN 2002), trú tại tổ 2, phường Nguyễn Trãi. Khi mới 12 tuổi (vào tháng 6/2014), Lê Hoàng Anh T. đã gây ra cái chết đau lòng đối với Lê Kim N. (SN 2000) trú tại tổ 1, phường Lê Lợi. Có nhiều lý do để dẫn Lê Hoàng Anh T. đến con đường phạm  tội, không ngoại trừ sự bộc phát của tính cách, lứa tuổi muốn khẳng định bản thân mình…, điều mà nhiều người lưu tâm chính là hoàn cảnh gia đình. Từ khi bố mẹ ly hôn vào năm 2006, gia đình T. “tan đàn xẻ nghé”. Cả hai anh em T. phải về sống với ông bà nội, không nhận được chăm sóc tử tế từ tình thương của bố mẹ, ông bà nội già cả ít theo sát được các cháu, cả hai anh em học hành sa sút, suốt ngày theo đám bạn chơi game, có hôm còn không về nhà ăn cơm, qua đêm đâu đó. Chuyện gì đến phải đến, năm 2012, anh ruột của T. bị Công an thành phố Kon Tum bắt giữ vì hành vi cố ý gây thương tích, phải đi chấp hành án tại Trại giam Gia Trung (Gia Lai) và 2 năm sau lại đến lượt T. gây án chết người.

Ai nấy đều nghĩ, giá như gia đình các em hạnh phúc, các em nhận được sự quan tâm giáo dục của bố mẹ thì có lẽ đã không xảy ra sự việc đau lòng đó. Vì ở lứa tuổi thanh thiếu niên, các em có những thay đổi về tâm sinh lý, thích thể hiện bản thân, thích có cách nhìn riêng về cuộc sống. Trong khi đó, các em lại thiếu đi một gia đình sum vầy, hạnh phúc và sự dạy bảo của cả cha lẫn mẹ. Sự thiếu quan tâm của cha mẹ, sự đùn qua đẩy lại trách nhiệm đã vô tình dẫn các em đi sai đường.

Chẳng riêng chuyện của T., nhìn trong xã hội, trong xóm làng, khu phố, trong bà con họ hàng, sẽ thấy rất rõ đa số các gia đình bố mẹ không hòa thuận, bố mẹ thiếu quan tâm con cái hoặc quan tâm quá mức, thiếu phương pháp, xem trẻ là những “ông trời con”…đều dễ dẫn đến tai họa cho con cái.

Trao giải cho các đội tham gia thi nấu ăn với chủ đề "Bếp gia đình - sưởi ấm yêu thương" nhân Ngày Gia đình Việt Nam. Ảnh: Văn Tùng

 

Qua phân tích của cơ quan chức năng thì số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật tăng nhanh trong thời gian gần đây, chủ yếu có trình độ thấp, đã bỏ học. Đáng quan tâm là cùng với trình độ thấp, thì hầu hết các đối tượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật phần lớn bố mẹ mải đi làm ăn xa, một số gia đình có khiếm khuyết (như mồ côi cha hoặc mẹ hay cha mẹ li dị, cha mẹ sống thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật…) nên ít nhận được sự quan tâm chăm sóc dạy dỗ của gia đình. Một số khác do gia đình thiếu phương pháp dạy dỗ con cái, chiều chuộng nên trẻ có tính ỷ lại, thiếu phấn đấu, dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ vào những hành vi tiêu cực và đi vào con đường phạm pháp.

Thực tế cho thấy, những người con ngoan, trò giỏi, thành đạt đa số đều xuất thân từ những gia đình hạnh phúc, nề nếp, cha mẹ là người lương thiện, hết mực quan tâm, yêu thương con cái. Ngược lại, những gia đình mà các thành viên không đồng lòng, vợ chồng thường xuyên cãi nhau, mải làm ăn, ít dành thời gian và ít quan tâm đến gia đình, con cái hoặc quá chiều chuộng… sẽ là nguyên nhân quan trọng khiến không dạy bảo được con cái.

Trẻ em mới sinh ra như tờ giấy trắng, chưa hình thành tính cách rõ rệt và môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ tiếp xúc là bố, mẹ, là gia đình. Gia đình hòa thuận, quan tâm con cái, được dạy bảo, định hướng đúng đắn sẽ giúp trẻ có cách nhìn đúng đắn, hạn chế lệch lạc. Vì vậy, cách giáo dục và môi trường sống trong mỗi gia đình đóng vai trò quyết định, ảnh hưởng trong việc hình thành tính cách, nhân cách, lối sống của mỗi người.

Mặc dù không thể đảm bảo đến tuyệt đối nhưng một khi, một đứa trẻ được sinh ra, lớn lên trong sự yêu thương, quan tâm dạy bảo của gia đình thì cũng sẽ có nhân cách tốt, có các đức tính tốt cơ bản như: lễ phép, thật thà, kính trên nhường dưới... Ngược lại, khi các gia đình thiếu quan tâm đến việc giáo dục con cái, cư xử với nhau bằng lời nói, cử chỉ, hành động thiếu văn hóa…thì cũng sẽ làm cho con trẻ trở lên cộc cằn, thô lỗ.

Bên cạnh đó, những gia đình mà bố mẹ thường có mâu thuẫn, lục đục hay tan vỡ cũng thường đẩy con cái rơi vào tình trạng hụt hẫng, chán nản. Trong hoàn cảnh đó, nhiều em không đủ ý chí để vượt qua khó khăn này đã rơi vào trầm cảm, rối loạn tâm lý hoặc bỏ nhà đi lang thang, phạm tội…

Mỗi gia đình có một hoàn cảnh, cách sinh hoạt khác nhau và có quan niệm, phương pháp giáo dục con cũng khác nhau. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả là tình yêu thương vô bờ bến và trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc dạy dỗ con cái, các bậc làm cha làm mẹ phải biết xây dựng môi trường gia đình yêu thương, đồng cảm, tôn trọng lẫn nhau để đặt nền móng cho con cái phát triển toàn diện, tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra…

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác