“Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc”

28/06/2021 06:03

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có hòa thuận, hạnh phúc thì xã hội mới phồn vinh, phát triển bền vững. Xây dựng “Gia đình bình an- xã hội hạnh phúc” đó là mục tiêu hướng đến và cũng là thông điệp ý nghĩa của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay (28/6/2021) đang được lan tỏa trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021.

Từ năm 2001, theo Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg (ngày 4/5/2001) của Chính phủ đã thống nhất lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. 20 năm qua, Ngày Gia đình Việt Nam đã dần trở thành một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt. Dịp này là cơ hội để mỗi thành viên thể hiện sự thấu hiểu, sẻ chia, quan tâm lẫn nhau, biết quý trọng và tích cực vun vén cho hạnh phúc gia đình. Đây cũng chính là đợt cao điểm tuyên truyền, kêu gọi nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội và chính mỗi gia đình trong việc quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình.

Trong cuộc sống hiện đại, việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình an luôn là một trong những vấn đề được quan tâm của toàn xã hội.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước, các cơ quan liên quan, địa phương luôn dành nhiều sự quan tâm, chăm lo đến công tác gia đình. Bởi gia đình chính là tế bào của xã hội, là thành trì của Tổ quốc. Gia đình là tổ ấm yêu thương, hạnh phúc và an toàn nhất trong cuộc đời mỗi người. Gia đình là trường học đầu tiên, có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Do đó, giải quyết tốt các vấn đề của gia đình cũng chính là giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Xây dựng gia đình bình an, hạnh phúc là góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp và sự phát triển của đất nước.

Trao giải cho các đội tham gia thi nấu ăn với chủ đề “Bếp gia đình - sưởi ấm yêu thương” nhân Ngày Gia đình Việt Nam. Ảnh: V.T

 

Ở tỉnh ta, công tác truyền thông, hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm cũng luôn được các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể chú trọng. Các đơn vị đã lồng ghép, phối hợp thực hiện công tác gia đình với các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, “Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”,  “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, xây dựng câu lạc bộ gia đình hạnh phúc…Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, nhất là các gia đình chính sách, gia đình người đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận văn hoá, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội... Thông qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò, vị trí của gia đình, tích cực bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đồng thời, góp phần xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân gia đình, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình và phòng chống bạo lực trong gia đình.

Ngày Gia đình Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt, đó là làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi. Dịch bệnh đã gây ra những xáo trộn không nhỏ trong xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân, gia đình và ảnh hưởng lớn đến sinh kế, cuộc sống của không ít gia đình. Nhiều gia đình phải chia xa vì có thành viên mắc Covid-19 đang cách ly điều trị hoặc có F1 phải cách ly tập trung. Nhiều người đang là lực lượng ở tuyến đầu chống dịch cũng đành gác lại tình cảm riêng, tạm biệt gia đình đi vào những nơi tâm dịch thực hiện nhiệm vụ cao cả là ngăn chặn, dập dịch, bảo vệ sức khỏe người dân. Hay đơn giản như một số người đi làm ăn xa muốn trở về thăm cha mẹ, gia đình, ăn bữa cơm đoàn viên cũng khó có thể thực hiện được vì dịch bệnh.

Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, dịch bệnh Covid-19 cũng đem lại những điều tích cực cho một số gia đình. Đó là, nhiều người có thời gian để “sống chậm”, ở bên người thân, gia đình để quan tâm, chia sẻ với nhau. Nhiều gia đình có cơ hội quây quần bên nhau để thấu hiểu, thắt chặt thêm tình cảm, hạnh phúc mà lâu nay luôn bị cuốn theo bởi những bộn bề, lo toan của cuộc sống.

Những điều đó cho thấy giữa những biến cố của dịch bệnh thì sức khỏe, sự bình an và hạnh phúc của mỗi gia đình chính là điều quan trọng nhất. Gia đình có bình an, mạnh khỏe mới đem lại những điều hạnh phúc, từ đó mới an tâm tạo dựng những giá trị khác trong cuộc sống, giúp xã hội phát triển.

Trong cuộc chiến chống Covid-19 này, mỗi gia đình được ví như một pháo đài, mỗi thành viên được coi như những chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch. Mỗi hành động, việc làm dù lớn hay nhỏ đều là những viên gạch vững chắc, giúp xây nên bức tường lớn, góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 .

Hơn bao giờ hết, vào những thời điểm như thế này, các gia đình càng cần phát huy truyền thống yêu thương, chia sẻ giữa các thành viên, đồng thời lan tỏa tình đoàn kết, sự cảm thông, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, dịch bệnh. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, vậy nên chỉ khi mỗi hạt nhân bình an thì xã hội mới hạnh phúc, phát triển.

Thùy Hương

Chuyên mục khác