Đưa Công an chính quy về xã: Chủ trương đúng và phù hợp

29/08/2019 06:03

Ngày 12/10/2018, Bộ Công an có kế hoạch triển khai thí điểm đưa lực lượng Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thay thế dần cho lực lượng Công an bán chuyên trách trước đây, sau đó sẽ có kế hoạch triển khai trên toàn quốc.

Ban đầu, không ít người còn băn khoăn về tính khả thi đối với chủ trương của Bộ Công an khi chọn Kon Tum làm thí điểm. Và cũng có nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao tỉnh Kon Tum lại được chọn làm thí điểm trong 63 tỉnh, thành trên cả nước?

Như đã biết, tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum tuy ít phức tạp hơn các địa phương khác, nhưng những năm gần đây nổi lên các vụ vi phạm pháp luật về hình sự, kinh tế, ma túy và môi trường. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm qua biên giới; tình trạng một số băng, nhóm tội phạm thực hiện các hoạt động cho vay nặng lãi; tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép…

Với đặc điểm tình hình như vậy, yêu cầu đặt ra quan trọng và hàng đầu đối với lực lượng Công an các cấp khi thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn cơ sở là phải bám dân, bám làng, bám cơ sở làm công tác vận động quần chúng, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho mọi người dân cũng như giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, để mọi người dân được hưởng một cuộc sống bình yên.

Một lý do nữa là, trước khi Bộ Công an chọn tỉnh Kon Tum làm thí điểm, với tình hình thực tế tại địa phương, Công an tỉnh cũng đã chủ động triển khai Công an chính quy về một số xã và lực lượng Công an này đã phát huy được tính chuyên nghiệp trong dự báo tình hình, nắm bắt các tình huống có thể xảy ra, xử lý, giải quyết các vụ việc một cách hiệu quả.

Lực lượng Công an chính quy ở xã đã phát huy tốt nhiệm vụ công việc ở cơ sở. Ảnh: ĐT 

 

Qua thực tiễn, chúng ta không hề phủ nhận vai trò của lực lượng Công an bán chuyên trách tại các xã trước đây. Bởi lực lượng này được chọn lựa ngay từ cơ sở, có đủ các điều kiện để công tác tại địa bàn.

Tuy nhiên, lực lượng này khi được chọn đảm nhiệm các chức danh Công an xã cũng mới chỉ được trải qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày về nghiệp vụ công an, mà chưa kinh qua các trường đào tạo bài bản, chuyên nghiệp của Bộ Công an, nên chưa đủ khả năng hoạt động, xử lý các tình huống một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, chế độ được thụ hưởng cũng chưa rõ ràng, ngoài chức danh Trưởng Công an xã, các chức danh còn lại chỉ được hưởng các chế độ phụ cấp… nên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm khi đảm nhận các công việc khó khăn, phức tạp.

Khi bắt đầu triển khai thí điểm đưa Công an chính quy về đảm nhận các chức danh Công an xã cũng có những khó khăn nhất định như kinh phí đảm bảo, nơi ăn ở, sinh hoạt, làm việc của Công an xã hầu như chưa có gì nên phải nhờ đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của địa phương. Việc giải quyết các chế độ và bố trí công việc cho lực lượng Công an bán chuyên trách trước đây cũng là một bài toán khó...

Tuy gặp không ít khó khăn, nhưng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh, nhất là sự quan tâm của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, việc triển khai chủ trương thí điểm đưa Công an chính quy về xã có nhiều thuận lợi.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an và Thường trực Tỉnh ủy, Công an tỉnh đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình, thực trạng lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước đây cũng như hiện trạng cơ sở vật chất của Công an các xã trên địa bàn toàn tỉnh để có các phương án bố trí hợp lý.

Công an tỉnh cũng đã báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, đề xuất lộ trình triển khai bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Đồng thời, kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh có phương án giải quyết chế độ, chính sách cho số Công an bán chuyên trách cũng như tiếp tục hỗ trợ kinh phí hoạt động, trang bị, thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ… để khi lực lượng Công an chính quy về xã có đủ các điều kiện để tiếp nhận, triển khai công việc ngay từ những ngày đầu.

Bởi vậy, khi triển khai chủ trương bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố đã viết đơn tình nguyện, sẵn sàng về nhận công tác tại địa bàn các xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.

Và, cũng nhờ được làm tốt công tác tư tưởng nên đa số cán bộ Công an bán chuyên trách hết lòng ủng hộ, đồng thuận và chấp hành theo sự sắp xếp, bố trí của cấp ủy, chính quyền địa phương, vẫn tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian chờ cấp ủy, chính quyền địa phương sắp xếp, bố trí công tác phù hợp hoặc giải quyết chế độ, chính sách…

Sau khi được triển khai về xã, lực lượng Công an chính quy đã làm tốt công tác tham mưu cho đảng ủy, UBND các xã triển khai kịp thời, có hiệu quả các kế hoạch, biện pháp nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; tiếp nhận và giải quyết dứt điểm các vụ việc xảy ra liên quan đến an ninh trật tự.

Trong công việc, trong cuộc sống, sinh hoạt, cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy được bố trí về xã luôn chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân, tác phong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật; luôn gần gũi, chia sẻ với cán bộ và nhân dân trên địa bàn; bởi vậy, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá rất cao, được nhân dân hết lòng yêu mến và ủng hộ. Đây chính là nền tảng quan trọng để lực lượng Công an xã chính quy tiếp tục đảm nhận và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, giải quyết các vụ việc phức tạp ngay từ cơ sở nếu có.

Có thể khẳng định, chủ trương chính quy hóa lực lượng Công an xã là một chủ trương đúng đắn và phù hợp, góp phần quan trọng giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là trong tình hình hiện nay.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác