Động thái quyết liệt dứt bỏ cơ chế “xin- cho”

25/10/2017 06:01

​Ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương ký ban hành Quyết định số 3610a, cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ này trong giai đoạn 2017-2018. Đây là một động thái quyết liệt của Bộ Công thương nhằm thực hiện Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân...

Có thể khẳng định, việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương là một là tin vui đối với cộng đồng những người làm kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng ở Việt Nam với quan điểm "Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp".

Đây cũng chính là sự thể hiện tinh thần quyết liệt, gương mẫu trong thực hiện cam kết với Chính phủ; thể hiện định hướng rõ ràng, gắn với hiệu quả quản lý  nhà nước của Bộ Công thương.

Một thực tế tồn tại bấy lâu nay mà chưa được dỡ bỏ, việc phân bổ nguồn lực chủ yếu vẫn dựa trên cơ chế “xin - cho”. Cơ chế này đã tạo ra “cửa sau, cửa trước”, vì vậy các doanh nghiệp gặp không ít rào cản, hạch sách từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, sự cạnh tranh trong kinh doanh thiếu lành mạnh, bình đẳng.

Sự nhũng nhiễu, tham ô cũng từ đây mà ra, làm hư hỏng một bộ phận không nhỏ cán bộ trong quá trình thực thi "quyền lực công".

Doanh nghiệp luôn bị làm phiền, gây khó khăn từ việc xin cấp giấy phép kinh doanh đến việc thường xuyên bị thanh tra, kiểm tra trong quá trình kinh doanh, hoạt động.

Thậm chí, chỉ một cơ quan chức năng nhưng tìm đến một doanh nghiệp nhiều lần trong một thời gian ngắn, với đủ lý do để lập biên bản, xử phạt, bởi “thiếu” các “giấy phép con”…

Và, đó cũng là lý do buộc doanh nghiệp phải “bôi trơn” để được các cơ quan này “làm ngơ”, nếu muốn không bị phiền toái…

Tuy nhiên, việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trên mới chỉ là giải quyết “phần ngọn” của vấn đề đối với môi trường kinh doanh. Vấn đề còn lại là cùng với việc cắt giảm cơ chế “xin - cho”, cần có hành lang pháp lý trong cải cách hệ thống quy định hành chính về kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ trong việc đặt ra các “giấy phép con”.

Vì thế, trong tương lai, không chỉ dừng lại việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, cần thiết có thể loại bỏ hoàn toàn các điều kiện đối với một số môi trường kinh doanh, bởi nó chính là những rào cản để nền kinh tế thị trường tồn tại và phát triển…

Động thái quan trọng hơn, chính là phải lập tức cải cách hệ thống quy định hành chính về kinh doanh, tức là số lượng “giấy phép” đã được giảm, nhưng chất lượng thì chưa được bàn tới. Bởi đây mới là cái “gốc” của vấn đề, vì một khi các thể chế không được cải cách triệt để, thì nguy cơ tái xuất hiện các quy định về “điều kiện” “để được” kinh doanh là rất cao.

Từ năm 2000, theo quy định của pháp luật chỉ có Chính phủ, Quốc hội mới được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh, nhưng sau đó các bộ, ngành thi nhau ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh, mặc dù trái luật nhưng các “điều kiện” đó vẫn hiển nhiên tồn tại một thời gian dài, gây trở ngại cho nhiều hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà chưa bị cắt bỏ…

Việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương chính là chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang “hậu kiểm”, thay vì “tiền kiểm” như trước đây, trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh.

Tuy vậy, việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm không hẳn đồng nghĩa với buông lỏng công tác quản lý, một số lĩnh vực nhạy cảm cũng sẽ được giữ nguyên công tác tiền kiểm như y tế, giáo dục, ngân hàng… Điều cần thiết chính là việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và xa hơn nữa là công tác giám sát việc thực thi pháp luật của những cơ quan chức năng có thẩm quyền, những người trực tiếp làm công tác kiểm tra, thanh tra…

Việc Bộ Công thương cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh là bức thông điệp về một môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết đến các bộ, ngành khác trên cả nước.

Vấn đề của thông điệp chính là thay đổi tư duy mang nặng "sự bó buộc không cần thiết", thậm chí là nhũng nhiễu…, khiến cho doanh nghiệp lâm vào thế bị chi phối, cảm giác được hỗ trợ, bị kiểm soát đầu ra và chất lượng dịch vụ…

Dư luận hoan nghênh và đồng tình với cách làm quyết liệt của Bộ Công thương và vai trò của người đứng đầu ngành. Động thái trên thể hiện tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cần được nhân rộng, cổ vũ trong thời gian tới.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác