Động lực từ phong trào thi đua yêu nước

11/06/2023 17:20

Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, những năm qua, phong trào thi đua yêu nước được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai sâu rộng và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Qua đó, tạo động lực phấn đấu, thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Trước yêu cầu quan trọng, cấp thiết của phong trào cách mạng, để động viên mọi lực lượng cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

75 năm qua, trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước có tác dụng lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tùy vào tình hình thực tiễn cách mạng, các phong trào thi đua được Chính phủ, các bộ, ngành phát động với tên gọi, nội dung và hình thức khác nhau phù hợp với đặc thù và tình hình chính trị của từng giai đoạn. Nhưng, tất cả các phong trào đều thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trở thành một trong những động lực to lớn khơi dậy và cổ cũ tinh thần yêu nước, thi đua góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ cách mạng đề ra.

Phong trào thi đua Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới đã huy động sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị và người dân. Ảnh: T.H

 

Quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.

Các cấp, ngành phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua do các bộ, ngành Trung ương phát động như “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Thi đua đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cán bộ, đảng viên, của các tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân, mang lại những kết quả to lớn.

 Điển hình như phong trào thi đua “Kon Tum chung tay xây dựng nông thôn mới” đã trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp, thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Phát huy tinh thần yêu nước, người dân đã ra sức thi đua  lao động sản xuất, giúp đỡ nhau để vươn lên thoát nghèo và làm giàu; hiến đất, góp công sức tham gia kiến tạo nông thôn. Nhờ đó, kinh tế- xã hội có chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 42/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã nông thôn mới nâng cao, có 7 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Hay như phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với các hoạt động an sinh xã hội, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội được các cấp, ngành và các địa phương chú trọng thực hiện và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, huy động được nhiều nguồn lực giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người dân vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Chỉ tính trong 2 năm (2021 – 2022), Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trên địa bàn tỉnh đã vận động được 22,5 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 300 căn nhà đại đoàn kết, trao tặng hàng ngàn suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng gặp khó khăn trong xã hội nhân dịp lễ, tết. Quỹ cứu trợ vận động được hơn 12,5 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân trên địa bàn tỉnh khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ, hạn hán và một số nơi phòng, chống dịch Covid-19.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh cũng lan tỏa, phát triển sâu rộng, đi vào đời sống từng hộ gia đình, khu dân cư, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay có 56% cơ quan, đơn vị và 74% thôn, làng, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa.

Trong từng lĩnh vực, các phong trào thi đua cũng diễn ra sôi nổi, rộng khắp với những nội dung, phần việc ý nghĩa, thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ như: Phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh,“5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” của tuổi trẻ toàn tỉnh; phong trào thi đua “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội LHPN; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do tổ chức Công đoàn phát động; “Dạy tốt, học tốt” gắn với Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” của ngành Giáo dục; “Siết chặt kỷ cương, tăng cường y đức, nâng cao nghiệp vụ” và rèn luyện “12 điều y đức” của ngành Y tế. Qua đó, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Thi đua yêu nước là động lực thúc đẩy phát triển. Các phong trào thi đua yêu nước thực sự có ý nghĩa to lớn trong việc động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân, mọi tầng lớp nhân dân nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Thùy Hương

Chuyên mục khác