Đổi mới thi cử - Từ chủ trương đến thực tiễn

06/07/2015 09:12

Có thể khẳng định rằng, sau nhiều băn khoăn, lo lắng, kết thúc kỳ thi, sĩ tử, phụ huynh đều có chung cảm nhận: giảm được áp lực, phân luồng được học sinh và từ đổi mới thi cử sẽ có sự đổi mới theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của người học.

Trong 4 ngày (1-4/7), cùng với cả nước, các em học sinh 12 trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Kỳ thi thực sự là mối quan tâm “nóng”không chỉ riêng với thí sinh và phụ huynh có con thi mà còn của toàn xã hội. Bởi, sau khoảng 10 năm chuẩn bị và sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, một kỳ thi nhằm hai mục đích: lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ chính thức được triển khai.

Giảm áp lực

Có thể khẳng định rằng, sau nhiều băn khoăn, lo lắng, kết thúc kỳ thi, sĩ tử, phụ huynh đều có chung cảm nhận: giảm được áp lực, phân luồng được học sinh và từ đổi mới thi cử sẽ có sự đổi mới theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của người học.

Kỳ thi đã giải quyết được những tồn tại của thi cử trong nhiều năm qua, điều nhìn thấy rõ nhất là giảm lãng phí về công sức, tiền bạc, áp lực xã hội… mỗi khi tới mùa tuyển sinh ĐH, CĐ. Bởi, trong số hàng triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT mỗi năm, sẽ có những em chỉ có nhu cầu thi để lấy bằng xét tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu (hoặc điều kiện) thi, học cao hơn.

Giảm áp lực thi cử có thể thấy rõ ở một số yếu tố như: số môn thi, số lượt làm bài thi, tính chất đề thi... Nếu như trước đây, các em học sinh phải trải qua 2 lần thi: 1 lần thi THPT và 1 lần thi CĐ, ĐH (trong đó 2 đợt thi ĐH, 1 đợt cao đẳng)  thì nay từ một kỳ thi này đảm bảo được cho cả hai mục đích. Cụ thể trước đây, các em phải thi tốt nghiệp THPT trong 3 ngày, thi tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi đợt 3 ngày. Như vậy, thông thường thí sinh sẽ mất 6 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 1 đợt ĐH), 9 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 2 đợt ĐH) thì nay mất 4 ngày (đó là chưa kể tùy vào môn đăng ký, nhiều em đã hoàn thành kỳ thi sau 2 ngày thi đầu tiên với 4 môn đăng ký: Toán – Văn – Anh Văn – Lý).

Và dĩ nhiên, bớt một lần thi thì cũng đồng nghĩa với giảm bớt được chi phí tổ chức thi, chi phí dự thi; phụ huynh, học sinh cũng giảm bớt được lo lắng, áp lực.

Phân luồng học sinh

Có thể khẳng định rằng, việc đổi mới trong kỳ thi quốc gia đã sớm phân luồng được học sinh học tiếp các bậc cao hơn hay theo học nghề. Vì, từ trước đến nay, như trở thành thông lệ, các em cứ tốt nghiệp THPT là dự thi vào đại học còn bây giờ bây giờ có thể tách việc tốt nghiệp THPT và việc thi vào các trường đại học. Nói như vậy không có nghĩa là những em đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ hoàn toàn không có cơ hội theo học CĐ, ĐH. Các em dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT vẫn có thể đăng ký vào trường đại học xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng.

Cụ thể, theo thống kê, toàn tỉnh đã có 4.830 thí sinh nộp hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2015. Trong đó, 1.753 thí sinh đã chọn thi để xét tốt nghiệp THPT; 3.137 thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT và lấy kết quả này tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ.

Số liệu thống kê cho thấy dấu hiệu tốt của phân luồng, từ kỳ thi này sẽ chia thành 2 nhánh: nhánh đăng ký thi chỉ lấy kết quả tốt nghiệp sẽ tiếp tục chọn con đường riêng như: học nghề, đi làm…; nhánh đăng ký vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp vừa để xét vào ĐH, CĐ lựa chọn con đường lên học bậc cao hơn.  

Khi không học tiếp đại học mà đi học nghề, đi làm, những kiến thức và kĩ năng cơ bản trang bị trong trường phổ thông cũng sẽ đủ để các em thích ứng được với đời sống lao động. Một bạn đã tự định hướng rõ ràng: Với sức học ở mức trung bình khó có cơ hội đỗ đại học, trong khi đó tỷ lệ cử nhân thất nghiệp khá cao, nên em tự chọn cho mình hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT sẽ học một nghề phù hợp với năng lực, sở trường, đỡ lãng phí tiền bạc và thời gian. 

Động lực thay đổi phưong pháp dạy và học

Kỳ thi đổi mới này là cơ hội hết sức quan trọng để có thể thay đổi việc dạy, học theo hướng hướng nghiệp sớm và giảm tải. Từ nhiều năm nay, cách thức học hành, thi cử theo kiểu cũ đã tồn tại như ăn sâu vào máu thịt của mỗi người. Vì vậy, trước những thay đổi lần này buộc từ giáo viên cho đến học sinh sẽ có sự thay đổi thói quen, tư duy, suy nghĩ về chuyện học hành, thi cử theo phương pháp cũ sang phương pháp mới.

Đặc biệt, cách ra đề thi như năm nay được các thầy cô giáo và các em học sinh đánh giá sát chương trình, theo hướng gợi mở và phân hóa học sinh cao sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới cách học của học sinh trong thời gian tới. Bởi, học sinh học cốt để thi. Nếu đề thi đòi hỏi học thuộc lòng - học sinh sẽ học thuộc lòng, nếu đề thi ra theo bộ đề - học sinh học theo bộ đề, nếu đề thi theo hướng mở - học sinh phải tư duy, rèn luyện kỹ năng, sự hiểu biết toàn diện...

Vậy nên, trước sự thay đổi trong đề thi để các em trình bày suy nghĩ trước các vấn đề xã hội như: lợi ích của việc đọc sách, kỹ năng sống… đòi hỏi các em phải vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề chứ không phải học tủ, học vẹt như trước đây.

Và, chính nội dung thi sẽ tác động ngược trở lại cách dạy và học trong nhà trường phổ thông. Từ đây, các trường học sẽ phải áp dụng cách ra đề thi trong các môn học, trong các kỳ thi ngay tại trường để điều chỉnh ngược trở lại phương pháp dạy học, hạn chế dần tình trạng học máy móc, kích thích dần tư duy độc lập và sáng tạo của học sinh.

Dẫu vẫn còn những băn khoăn nhất định nhưng tựu trung lại dư luận xã hội đánh giá cao trước những thay đổi lớn của kỳ thi. Học sinh mừng vì có nhiều cơ hội được xét tuyển chỉ sau một lần thi. Gia đình mừng vì bớt phải đưa con đi lại xa, đỡ tốn kém công sức, tiền bạc, thời gian. Xã hội mừng vì bớt căng thẳng về giao thông, chỗ trọ, tiết kiệm chi phí đáng kể. Nhưng, điều đáng mừng hơn cả đó là sự đồng thuận, sự nỗ lực cả hệ thống chính trị trong việc đưa Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” vào thực tiễn cuộc sống.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác