Để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang

09/12/2018 18:04

​Bắt đầu từ năm 2005, Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được diễn ra định kỳ 2 năm 1 lần, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc phi vật thể của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Mới đây, sự kiện văn hóa này đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND và ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai).

Ngược dòng thời gian cách đây 13 năm về trước, ngày 25/11/2005, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (nay là danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), sau Nhã nhạc Cung đình Huế, tính từ thời điểm lúc bấy giờ.

Không phải ngẫu nhiên mà Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bởi, từ ngàn xưa đến nay, cồng chiêng Tây Nguyên có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Theo quan niệm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng không chỉ “vật thiêng”, công cụ giao tiếp giữa con người và thần linh, mà còn là tài sản quý giá của mỗi gia đình, thôn làng, dân tộc. Ngoài tính năng là nhạc cụ độc đáo, cồng chiêng còn là vật gắn kết một không gian rộng lớn với nhiều sự kiện diễn ra trong sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc Tây Nguyên từ lúc mới lọt lòng, cho đến khi từ giã cõi đời về với cõi vĩnh hằng. Ví như các lễ hội “lễ thổi tai”, “mừng lúa mới”, “đâm trâu”, “cúng bến nước”, “lễ bỏ mả”… không thể thiếu vắng tiếng cồng, tiếng chiêng.

Bởi thế, sau sự kiện được UNESCO công nhận, Cồng chiêng Tây Nguyên đã thật sự trở thành một di sản quý giá của nhân loại, cũng như một danh hiệu văn hóa có giá trị về mặt pháp lý, rất cần được bảo tồn và phát huy.

Tuy nhiên, điều đáng buồn hiện nay là cồng chiêng Tây Nguyên lại trở thành “lạc hậu”, “cổ xưa” trong nhận thức của một số ít người bằng sự thờ ơ, vô cảm. Những người này đã không còn xem cồng chiêng là “vật thiêng” nữa, mà trở thành một thứ hàng hóa để trao đổi, mua bán với giá trị chỉ là vài cân kim loại bằng đồng, nhằm giải quyết khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, hay cần vốn để phát triển sản xuất…

Tôi có dịp đi tác nghiệp ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, được chứng kiến nhiều lễ hội văn hóa của người đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây được tổ chức rất trang trọng và tất nhiên không thể thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng. Tuy vậy, vẫn còn một số nơi, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe những lời chia sẻ thật buồn của những người già nhất làng rằng: Lũ trẻ bây giờ không thích tiếng cồng, tiếng chiêng. Nó chỉ thích đi học đàn ghita, nghe và nhảy múa theo tiếng nhạc ngoại mà thôi…

Tây Nguyên chính là “chiếc nôi” duy trì nhiều văn hóa đặc hữu mang tính cộng đồng không dễ gì có được ở nơi khác. Bởi vậy, để tránh nguy cơ mai một văn hóa cồng chiêng, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh ta nói riêng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là với thế hệ trẻ hiện nay để nhận thức đúng đắn, sâu sắc về văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ sự tinh hoa, quý giá của di sản dân tộc mình.

Nhằm bảo vệ văn hóa cồng chiêng trước nguy cơ mai một, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cần xây dựng kế hoạch dài hơi cho việc phục hồi, bảo tồn và phát huy di sản cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trong đó, các tỉnh thành, các ngành, các địa phương, đơn vị cần chú trọng công tác truyền dạy cồng chiêng cũng như bản sắc văn hóa cồng chiêng trong các trường nghệ thuật, trường phổ thông…

Hiện nay, tại một số thôn làng, xã của một số huyện ở tỉnh ta, việc dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ đã được một số nghệ nhân tâm huyết truyền dạy. Tại một số thôn làng của các xã ở huyện Kon Rẫy, Đăk Hà, Sa Thầy…việc dạy đánh cồng chiêng cho các em nhỏ đã được người già quan tâm.

Điều đáng mừng là ở tỉnh ta, cồng chiêng và múa xoang còn được đưa vào truyền dạy trong trường học. Nhiều trường học hiện đã có nhiều đội cồng chiêng, múa xoang được đào tạo bài bản theo đúng bản sắc văn hóa của từng dân tộc, điển hình như Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum), Trường THCS Trần Khánh Dư (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum), Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum)…

Cồng chiêng là tâm hồn, tình cảm của người Tây Nguyên. Qua tiếng cồng, tiếng chiêng làm say đắm lòng người. Cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đã xây dựng nên nét văn hóa đặc trưng, phong phú và đa dạng, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, góp phần hình thành kho tàng di sản văn hóa vô giá của cả dân tộc.

Chính vì vậy mà tại ngày khai mạc Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vừa qua tại thành phố Pleiku, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững trong trong việc hồi sinh vẻ đẹp đại ngàn của một vùng đất sử thi; phải luôn ý thức gìn giữ không gian sống, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể  truyền thống, niềm tự hào thiêng liêng của các cộng đồng Ê Đê, Gia Rai, Mơ Nông, Ba Na, Kinh... trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam…

Đúng là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang rất cần sự chung tay của cả cộng đồng để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa vô cùng độc đáo này. Phải làm sao để hai chữ Tây Nguyên luôn là niềm tự hào của người Tây Nguyên, của người Việt Nam; để Tây Nguyên luôn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư và du khách gần xa….

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác