Để phát huy vai trò của “đại biểu dân cử”

22/10/2018 18:08

​Tôi tin rằng, không phải vô cớ mà vấn đề nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri và hoạt động giám sát đối với việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri lại được chọn làm chủ đề của Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên vừa qua...

1. Vì nghề nghiệp, tôi từng dự rất nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp - gọi chung là đại biểu dân cử.

Ở đó, bên cạnh các cử tri - những người bỏ phiếu bầu ra đại diện của mình ở cơ quan dân cử - thường có sự hiện diện của chính quyền, cơ quan nhà nước.

Ở đó, cử tri sẽ phản ánh, nêu ý kiến, kiến nghị về những vấn đề mà họ quan tâm, về những bức xúc gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Và tất nhiên, các đại biểu dân cử sẽ lắng nghe và ghi nhận đa số ý kiến, kiến nghị ấy; tổng hợp, phản ánh, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền trả lời và giải quyết.

Việc đại biểu HĐND các cấp về tiếp xúc cử tri tại thôn, làng được đánh giá cao. Ảnh: T.H

 

Nhưng câu hỏi đặt ra là, có bao nhiêu phản ánh, kiến nghị chính đáng của cử tri được quan tâm giải quyết thỏa đáng, dứt điểm?

Tôi không thể nhớ hết, bản thân mình đã nghe bao nhiêu lần câu nói "vấn đề này tôi đã ý kiến nhiều lần, cuộc tiếp xúc cử tri nào cũng phản ánh" của cử tri. Nhưng lại nhớ một thực tế là, có hàng loạt vấn đề lần nào tiếp xúc, cử tri cũng kiến nghị và đại biểu cũng thu thập, truyền tải, nhưng một số sự việc gây bức xúc trong dư luận xã hội lại chậm được giải quyết.

Đơn cử như chuyện hoạt động của nhà máy chế biến mủ cao su A gây ô nhiễm môi trường; xã B cần đầu tư đường đi khu sản xuất; tạo việc làm cho con em tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Hay chuyện giải quyết tranh chấp đất đai; đền bù giải phóng mặt bằng...

Thẳng thắn nhìn nhận, những vấn đề nêu trên đều là những bức xúc xã hội khó có thể giải quyết trong “ngày một ngày hai”. Vì thế, việc lắng nghe, ghi nhận và tổng hợp kiến nghị, đề xuất của cử tri để chuyển tới cơ quan có thẩm quyền là tất yếu. Nhưng nếu luôn trong tình trạng "tiếp thu, ghi nhận" và "thư đi, thư lại" thì vấn đề trở nên đáng lo ngại.

Trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại thành phố Kon Tum, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chính quyền địa phương cần nắm bắt và giải đáp kịp thời những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền, không để đến khi có buổi tiếp xúc mới nêu. Mặt khác, các cơ quan nhà nước cũng phải quan tâm giải quyết những phản ánh, kiến nghị của cử tri mà đại biểu dân cử chuyển tới.

Là một đại biểu HĐND do cử tri bầu, tôi trăn trở, băn khoăn khi không ít vấn đề đại biểu dân cử ghi nhận, tổng hợp từ cử tri, phản ánh tới cơ quan có thẩm quyền nhưng chậm được giải quyết - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Hòa, hiện chưa có chế tài xử lý tình trạng này, trong khi đại biểu dân cử lại chưa được giao quyền, trách nhiệm xử lý đối với những vấn đề đại biểu nêu mà không giải quyết. Vô hình trung, đại biểu dân cử lại trở thành "người đưa thư" khiến cử tri không hài lòng, không yên tâm khi đã trao quyền đại diện của mình cho đại biểu.

2. Chắc chắn rằng, câu hỏi làm thế nào để đại biểu dân cử không chỉ là "người đưa thư" đã được nhắc đến nhiều lần trên các diễn đàn, nhưng có lẽ phải tới Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ 5 (nhiệm kỳ 2016-2021) do HĐND tỉnh Kon Tum đăng cai tổ chức mới đây thì mới được bàn thảo ở mức quy mô hơn từ chính các đại biểu dân cử...

Và tôi tin rằng, không phải vô cớ mà vấn đề "nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri và hoạt động giám sát đối với việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri" lại được chọn làm chủ đề của hội nghị.

Tại hội nghị, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội - Trần Văn Túy thẳng thắn đặt vấn đề: Đại biểu dân cử đang đóng vai trò "người đưa thư", nghĩa là "nhận và chuyển"; và làm thế nào để khắc phục tình trạng này là điều cần bàn.

Cách đặt vấn đề thẳng thắn, trực diện của đồng chí Trần Văn Túy đã nhận được sự đồng tình của các đại biểu. Nói như đại diện HĐND thành phố Đà Nẵng, thực tế có những vấn đề cử tri kiến nghị từ kỳ tiếp xúc này tới kỳ tiếp xúc khác nhưng vẫn chỉ được tổng hợp, chuyển đến cơ quan chức năng còn việc giải quyết như thế nào, vào thời gian nào thì cả đại biểu và cử tri lại không thể giám sát, xử lý.

Có cử tri đến dự buổi tiếp xúc, mới bắt đầu đã nói oang oang: Cứ ý kiến, phản ánh nhiều lần rồi mà có giải quyết được đâu. Thế là có tác động tiêu cực đến các cử tri khác. Qua rà soát thì ý kiến của cử tri này đã được chuyển đến cơ quan nhà nước, nhưng việc giám sát giải quyết mới chỉ ở mức đôn đốc, nhắc nhở, chưa có biện pháp cụ thể để yêu cầu cơ quan, đơn vị giải quyết đến cùng các kiến nghị - vị đại biểu này nói.

Nhiều tham luận phân tích, mổ xẻ nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng trên được trình bày tại hội nghị. Trong đó, tham luận của tỉnh Kon Tum nhận được sự quan tâm của các đại biểu.

Đã có hàng loạt giải pháp, nỗ lực được thực hiện để cải thiện tình hình, nhưng trong đó mấu chốt là các cuộc tiếp xúc đều phải có sự tham gia của chính quyền, cơ quan nhà nước để trả lời, giải quyết tại chỗ, rõ ràng những vấn đề thuộc thẩm quyền; các tổ đại biểu dân cử về tận thôn, làng để tiếp xúc cử tri, thay vì ở trụ sở UBND xã, phường; các ý kiến, kiến nghị đều được phân loại, xác định rõ cấp có thẩm quyền trả lời, từ đó hạn chế việc chuyển ý kiến lòng vòng, kéo dài thời gian...

Trong các kỳ họp gần đây, số lượng ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết liên tục giảm mạnh. Tại kỳ họp thứ 3 (nhiệm kỳ  2016-2021), còn 39/129 ý kiến, kiến nghị (chiếm 30,2%) chưa được giải quyết dứt điểm, nhưng đến kỳ họp thứ 5 chỉ còn 12,61% - đồng chí Kring Ba- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum cho hay.

Và quan trọng hơn, những buổi tiếp xúc cử tri đã dần chạm được đến "cái đích" của nó: đại diện cho tiếng nói của nhân dân.

Tất nhiên, tôi đọc được điều đó qua ánh mắt của đông đảo cử tri đi dự buổi tiếp xúc.

Thành Hưng

Chuyên mục khác