Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

09/09/2024 13:06

An toàn giao thông là một vấn đề lớn, được cả xã hội quan tâm, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Năm học 2024 – 2025 đã bắt đầu, do đó, việc tăng cường các giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng văn hoá tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh là vấn đề quan trọng được các cấp, ngành chức năng tập trung thực hiện.

Từ năm 1997, theo Chỉ thị số 718/TTg (ngày 01/9/1997) của Thủ tướng Chính phủ, tháng 9 hàng năm được lấy là Tháng An toàn giao thông. Đây là dịp cao điểm tuyên truyền, phổ biến về thực trạng tai nạn giao thông, những thiệt hại về người và của do tai nạn giao thông gây ra. Từ đó, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng trong việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, tháng 9 cũng là thời điểm học sinh bước vào năm học mới, nên việc tăng cường các giải pháp quản lý, giáo dục con em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn giao thông là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, mặc dù công tác đảm bảo an toàn giao thông luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, nhưng tình hình tai nạn giao thông liên quan đến học sinh có lúc, có nơi vẫn còn diễn ra phức tạp. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, nhất là việc chấp hành luật giao thông của học sinh còn hạn chế. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng xe máy điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, đùa nghịch, lạng lách, đánh võng trên đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện.

Lực lượng chức năng tăng cường xử lý vi phạm an toàn giao thông trong học sinh. Ảnh: Nguồn Công an tỉnh

 

Theo quy định hiện nay, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3. Người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển mô tô, xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên và phải có giấy phép lái xe. Quy định là thế, nhưng việc học sinh điều khiển xe phân khối lớn hơn so với quy định vẫn diễn ra khá phổ biến ở các trường trung học phổ thông. Trong khi đó, kỹ năng tham gia giao thông của các em còn nhiều hạn chế, chưa được trang bị các kiến thức cơ bản về quy định an toàn giao thông, chưa được học và thực hành kỹ năng điều khiển phương tiện. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rất cao về tai nạn giao thông.

Việc học sinh chưa tuân thủ quy định về an toàn giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng đáng nói là công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh về vấn đề này còn chưa chặt chẽ. Một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con em mình, chưa nêu gương trong việc chấp hành quy định khi tham gia giao thông.

Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm trên cả nước có tới 2.000 thanh thiếu niên thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Cùng với đuối nước, tai nạn giao thông chính là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ ở nước ta.

Con số này khiến tất cả chúng ta đều thấy xót xa, là nỗi đau quá lớn đối với mỗi gia đình và toàn xã hội.

Tuyên truyền luật giao thông đường bộ cho học sinh. Nguồn Công an tỉnh

 

Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, thì việc đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng.

Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông liên quan đến học sinh nói riêng khi bước vào năm học mới, ngày 26/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 81/CĐ-TTg về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 và Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh dến trường.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 28/8/2024, UBND tỉnh ban hành công văn 3046/UBND-KTHT yêu cầu các ngành chức năng, địa phương tăng cường các giải pháp, thực hiện tốt những nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là cho học sinh. Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền, nhắc nhở nhằm nâng cao nhận thức và hành động, trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm, thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông, từng bước xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh.

“An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà”. Để thực hiện tốt điều này, cần sự chung tay, vào cuộc của cả xã hội. Bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng, cần sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong việc giáo dục, nhắc nhở học sinh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật cũng như tăng cường quản lý, hướng dẫn kỹ năng cho học sinh khi tham gia giao thông. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của thế hệ tương lai của đất nước.

Thiên Hương

Chuyên mục khác