Đâu rồi cô giáo như mẹ hiền?

13/02/2017 15:54

Mấy ngày nay, dư luận phẫn nộ trước việc một cô giáo mầm non ở Hà Nội dùng dép đánh đập vào đầu, vào mặt trẻ. Mà nói đâu cho xa, chẳng phải ngay ở thành phố Kon Tum cách đây không lâu báo chí, mạng xã hội đã đăng tải clip cô giáo mầm non của một trường có tiếng dùng tay tát vào mặt, rồi dùng thước đánh bôm bốp vào người các trẻ mới 3-4 tuổi khiến nhiều người cảm thấy xót xa.

Xót xa vì biết đâu con mình cũng đã, đang và sẽ phải chịu cảnh như thế. Xót xa vì lâu nay cô giáo vẫn được ví như mẹ hiền mà lại có thể nhẫn tâm hành xử với những đứa trẻ chập chững, trắng trong như tờ giấy trắng vậy. Xót xa vì trong môi trường sư phạm lại xảy ra chuyện phi sư phạm đến thế. Xót xa vì không biết có bao nhiêu bậc làm cha, làm mẹ có đủ can đảm, tin tưởng và yên tâm để gửi con mình cho những cô giáo đó. Xót xa vì khuất mắt trông coi, không còn cách nào khác, để cho con mình bớt chịu đòn roi, phụ huynh buộc phải “chăm sóc, o bế” cô giáo kỹ càng hơn một chút...

Nghe chuyện, nhiều người cho rằng, cũng phải thông cảm cho các cô giáo. Nhà mình có 1-2 đứa con lắm khi cũng điên hết cả đầu vì các trò ngỗ nghịch, bướng bỉnh của con trẻ… Đằng này, mỗi lớp tới 30 cháu, thậm chí có lớp tới 40 cháu mà chỉ có 2 cô giáo. Trung bình thì cứ mỗi cô phải quản tới hơn 15 cháu. Trong khi đó, với con trẻ khi ở trường thì cô giáo là cứu cánh trong mọi chuyện, từ A đến Z: đánh nhau, gọi cô, đi vệ sinh, gọi cô, không tự ăn lại tiếp ngồi chờ cô… Loay quay với các cháu từ sáng sớm đến chiều tối nhưng lương và phụ cấp cũng chẳng đáng là bao. Những bực dọc, áp lực cuộc sống khiến cho các cô bỗng trở nên mỏi mệt, đôi lúc, đôi khi có những hành xử nóng nảy là khó tránh khỏi.

Nhưng, dư luận, phụ huynh cũng không thể thông cảm cho các cô giáo đánh đập con trẻ đã trở thành thói quen, theo kiểu “trăm dâu đổ đầu… con trẻ”. Đi vệ sinh không đúng - đánh, học không tập trung - đánh, ăn chậm - đánh, hay khóc - đánh, chọc ghẹo bạn - đánh…

Vì chẳng phải ngay từ khi chọn nghề các cô giáo đã xác định trước được những khó khăn, vất vả phải đương đầu? Vì chẳng phải các bậc phụ huynh muốn con em mình được giáo dục trong môi trường sư phạm, cần được học hỏi, cần được dạy dỗ để tiến bộ hơn nên mới nhờ đến cô giáo? Vì chẳng phải ngay chính khi cô giáo dùng bạo lực, đòn roi đã thể hiện sự bất lực về nghiệp vụ, thiếu phương pháp sư phạm đúng đắn?

Không chỉ đánh đập, bạo hành thể xác, những vụ bạo hành về tinh thần: đó là những lời hù dọa, đay nghiến; những hành xử thiếu công bằng… từ chính các cô giáo cũng tàn phá tâm hồn trẻ thơ ghê gớm. Những đứa trẻ chỉ biết khóc chứ không biết thổ lộ với ai. Nếu có nói ra, liệu mấy ai tin vào lời con trẻ?

Từ những vụ việc này, dư luận lên tiếng, các cô giáo cũng đã nhận các hình thức kỷ luật thích đáng. Nhưng, sau những vụ việc đã được phát giác thì tình trạng này liệu có hết?

Dân gian vẫn hay nói vui “kính thưa các đồng chí chưa bị lộ mà thôi”! Vì trên thực tế, nơi này, nơi kia phụ huynh vẫn vô tình bắt gặp giáo viên này đánh trẻ bành bạch, giáo viên kia thản nhiên phẹt cây thước to bản hằn cả mông con trẻ…

Nếu ngành Giáo dục, các trường học không chú trọng giáo dục, kiểm tra, giám sát về mặt đạo đức, nhân cách giáo viên khi đứng lớp cũng như khi tuyển chọn thì chắc rằng số trẻ bị đánh đập, bị nhốt, bị hù dọa hay “được gửi” sang lớp khác để cô giáo “trình diễn” những tiết thao giảng, dự giờ… vẫn sẽ cứ tiếp diễn.

Trước mắt, những đứa trẻ liên tục bị đánh đập, bị mắng mỏ, dọa nạt không ngớt… cảm thấy bị tổn thương, sợ hãi ngay chính cô giáo mình và không muốn đến trường, đến lớp. Về lâu dài hơn, trong ký ức của chúng sẽ là những câu chuyện buồn về những ngày đi học. Và xa hơn một chút, đáng lo ngại hơn một chút là chính những đứa trẻ này vì quá quen với bạo hành nên cũng sẽ dễ dàng giải quyết mọi chuyện bằng chính con đường bạo hành.  

Chỉ cần một chút khó chịu, một chút bức xúc, giận dữ… đều khiến cho những người được giao sứ mệnh “ươm mầm”, “trồng người” hành hạ trẻ nhỏ vô tội. Câu chuyện này một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo.

Đâu rồi cô giáo như mẹ hiền, đâu rồi lòng trắc ẩn, yêu thương?

Liễu Hạnh

Chuyên mục khác