Đại biểu của nhân dân

05/01/2021 06:04

Mỗi người dân Việt Nam khi cầm trên tay lá phiếu để bầu cử Quốc hội, đều tự mình có quyền lựa chọn những người có đức, có tài đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Cách đây tròn 95 năm, ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) diễn ra trên phạm vi cả nước, dù trong bối cảnh các tỉnh phía Bắc phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, trong khi đó ở Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của giặc Pháp.

Bất chấp mọi thủ đoạn phá hoại, bom đạn của kẻ thù, với sự thống nhất, đoàn kết trên dưới một lòng của mọi tầng lớp nhân dân cả nước, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I diễn ra đúng kế hoạch, giành thắng lợi vẻ vang: bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu DTTS.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước ta; đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước; biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một buổi tiếp xúc cử tri tại xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô. Ảnh: ĐN

 

Trước đó, ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Phải bầu ngay Quốc hội, càng sớm càng tốt. Bên trong thì nhân dân tin tưởng vào chế độ mình. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được”.

75 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã tiến hành 14 cuộc bầu cử. Theo đó, Quốc hội đã xây dựng và thông qua 5 bản Hiến pháp. Tất cả các bản Hiến pháp được xây dựng và sửa đổi đều nhằm một mục tiêu lớn là hướng tới quyền lợi của mọi người dân, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân, đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước để phục vụ nhân dân tốt hơn, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân được thực hiện một cách thực chất hơn trong thực tế.

Và cũng từ đó đến nay, các kỳ bầu cử Quốc hội tiếp theo đều kế thừa quyết tâm và ý chí độc lập tự do, giữ vững chủ quyền dân tộc của nhân dân ta. Mọi người dân Việt Nam khi cầm trên tay lá phiếu để bầu cử Quốc hội, đều tự mình có quyền lựa chọn người có đức, có tài đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân vào cơ quan quyền lực cao nhất, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Không ngoài sự kỳ vọng của mọi tầng lớp nhân dân, những đại biểu Quốc hội  đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, hoàn thành mọi nhiệm vụ đại biểu theo quy định pháp luật, đóng góp quan trọng vào công tác lập pháp, góp phần hoàn thiện pháp chế xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới kinh tế xã hội đất nước, hội nhập hóa toàn cầu.

Với vai trò đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, nhiệm kỳ khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ta đã luôn cố gắng trong việc lắng nghe, thu thập, tiếp thu, xử lý các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tất cả các ý kiến kiến nghị, nguyện vọng của cử tri trong tỉnh đều được các đại biểu hết sức lắng nghe, tiếp thu, kiến nghị với Trung ương về những vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp Quốc hội và với tỉnh để nghiên cứu và kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Đồng thời, thông qua tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã cung cấp cho cử tri nhiều thông tin ở tầm vĩ mô, giải đáp nhiều kiến nghị, thắc mắc của cử tri, qua đó tạo niềm tin cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, trong nhiệm kỳ khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chuyển tới 19 cơ quan nhà nước, tổ chức ở Trung ương 55 ý kiến, kiến nghị và chuyển tới UBND tỉnh, các tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh 64 ý kiến, kiến nghị về công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật của nhà nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh mà cử tri quan tâm.

Sau khi chuyển các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh đến cơ quan, tổ chức ở Trung ương thông qua Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thường xuyên theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Vấn đề nào chậm được giải quyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ lựa chọn để chất vấn bằng văn bản hoặc chất vấn trực tiếp các bộ trưởng, trưởng ngành tại các kỳ họp Quốc hội.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của đại biểu và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều cố gắng, đổi mới hình thức, nội dung giám sát. Việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội ngày càng đi vào nề nếp, từ việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề cương đến việc tổ chức giám sát, tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát, vì vậy, chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát ngày càng được nâng lên.

Sau các cuộc giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kịp thời kết luận, đánh giá để kiến nghị với chính quyền các cấp và các đơn vị chịu sự giám sát; đồng thời, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương.

Các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu đưa vào các báo cáo giám sát của Quốc hội và ban hành nghị quyết để chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan… tổ chức thực hiện. Các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức trong tỉnh đều được UBND tỉnh tiếp thu và chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Có thể khẳng định rằng, với vai trò là người đại biểu của nhân dân, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ta trong nhiệm kỳ khóa XIV có tác dụng thực sự, chỉ rõ các mặt ưu điểm, đồng thời kiến nghị khắc phục những khuyết điểm tồn tại, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh về pháp luật, cơ chế chính sách và chỉ đạo điều hành công việc của địa phương.

Hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn đảm bảo công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát. Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tích cực tham gia hoạt động của các đoàn giám sát, khảo sát của các cơ quan của Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, từ đó có điều kiện thực hiện tốt hơn quyền chất vấn và giám sát tối cao tại các kỳ họp Quốc hội.

Những kết quả của hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn chính là một kênh thông tin giúp Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Bằng những hoạt động thiết thực trong nhiệm kỳ khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là cầu nối thường xuyên giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Quốc hội; xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã trao gửi.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác