Củng cố khối đại đoàn kết từ mỗi cộng đồng dân cư

11/11/2019 06:14

Những ngày này, các thôn làng, tổ dân phố ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nô nức tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là dịp Ủy ban MTTQ Việt Nam và chính quyền các cấp tổ chức để cộng đồng dân cư “báo công mừng công” về kết quả sau một năm đoàn kết thi đua lao động sản xuất, giữ gìn nét đẹp truyền thống của quê hương, biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu. Từ đó, thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm để mọi người cùng nhau chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Xác định vai trò quan trọng của khu dân cư, với phương châm sâu sát cơ sở, gần dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân hiểu và làm cho dân tin, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động hướng về cơ sở, khu dân cư, nhất là tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tạo sức lan tỏa, động viên phong trào thi đua đoàn kết lao động sản xuất, giữ gìn nét đẹp truyền thống, xây dựng xã hội văn minh trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong đời sống xã hội. Nhờ đó, đã tập hợp, quy tụ được các tầng lớp nhân dân trong xã hội cùng chung sức phấn đấu xây dựng quê hương, tăng cường mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) hằng năm. Đây là dịp để cán bộ, nhân dân các thôn, làng, khu dân cư ôn lại các giá trị lịch sử tốt đẹp của dân tộc, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay.

Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các cấp và các tổ chức đoàn thể quan tâm, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình tham gia. Mỗi người dân, mỗi gia đình đã coi đây là ngày có ý nghĩa đặc biệt, trở thành nền nếp trong sinh hoạt chính trị, văn hóa, tinh thần ở mỗi khu dân cư.

Văn nghệ chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Plei Trum - Đăk Choah, phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum). Ảnh: Hoài Tiến 

 

Trong những năm qua, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được người dân tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả; việc xây dựng các mô hình văn hóa như “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” dần đi vào nề nếp và được thực hiện một cách đồng bộ, có chiều sâu, tạo không khí thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân.

Ngày hội Đại đoàn kết chính là dịp để đánh giá về kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; biểu dương khen thưởng người tốt, việc tốt, gia đình văn hóa tiêu biểu, đề ra những mục tiêu phấn đấu để xây dựng mỗi làng quê ngày càng phát triển. Trong dịp này, rất nhiều hoạt động được các cấp chính quyền, MTTQ Việt Nam, tổ chức đoàn thể triển khai như phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người cao tuổi, người có uy tín… Qua đó, góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, thể hiện tinh thần đoàn kết ở khu dân cư.

 Những năm gần đây, Ngày hội Đại đoàn kết ngày càng được nâng lên về mặt quy mô cũng như hình thức tổ chức, không chỉ có những hoạt động mang tính nghi lễ mà nhiều thôn làng còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức bữa cơm đoàn kết phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thông qua các hoạt động này tạo không khí vui tươi, hòa thuận thắm tình làng, nghĩa xóm. Nhiều người trong khu dân cư có mâu thuẫn, nhưng qua bữa cơm đại đoàn kết mọi người lại “tay bắt mặt mừng”, bỏ qua những khúc mắc thường ngày, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Niềm phấn khởi, tin tưởng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc càng được nhân lên khi trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc, các khu dân cư còn được lãnh đạo các cấp trong tỉnh, địa phương đến tham dự và động viên, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Qua đó, tạo sự gắn bó mật thiết, gần gũi giữa nhân dân với Đảng, với chính quyền nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ngay tại địa bàn dân cư.

Có thể nói, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư chính là diễn đàn dân chủ, tập hợp và phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân, từng gia đình và cộng đồng để cùng nhau góp công sức, trí tuệ xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, lành mạnh, an toàn và văn minh. Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ngày càng tạo được sự đồng thuận rộng rãi của toàn xã hội, góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, tăng cường khối đại đoàn kết từ trong mỗi thôn làng, khu phố. Qua đó, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, chung sức tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, đóng góp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên thì chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, ở một số nơi, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc còn được triển khai hình thức, chưa thật sự tạo được không khí vui tươi, lan tỏa cho người dân; chưa thực sự trở thành diễn đàn dân chủ, đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa ở mỗi khu dân cư để tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân…

Có thể nói, Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cùng các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương và của tỉnh. Chính vì thế, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cần phải được cấp ủy đảng, chính quyền và Ủy ban MTTQ Việt Nam ở cơ sở đặc biệt quan tâm, tránh hình thức nhằm đem lại hiệu quả xã hội đúng như mục đích tốt đẹp vốn có của ngày này.   

Thiên Hương

Chuyên mục khác