Cốt lõi phải từ đội ngũ cán bộ

06/10/2016 09:12

CBCCVC chính là những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ, nếu họ thiếu năng lực, kỹ năng và tinh thần trách nhiệm thì cho dù chủ trương, chính sách đúng và thông thoáng cũng không thể tránh được tình trạng “trên thông - dưới tắc”.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, cùng với thiếu cán bộ thì chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) xét cả về năng lực và tinh thần trách nhiệm còn nhiều bất cập, đặc biệt ở cơ sở là điều đáng bàn. Nếu không có đội ngũ CBCCVC lành mạnh, có đủ sức, đủ tầm để thực hiện thì cũng không thể cải cách hành chính một cách hiệu quả.

Thiếu và bất cập

Khó khăn nhất trong cải cách hành chính hiện nay trên địa bàn tỉnh là thiếu cán bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập, nhất là ở cấp cơ sở.

Với đặc thù của một tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn về khoảng cách địa lý, giao thông đi lại, trình độ dân trí… nhưng đội ngũ CBCCVC được giao cho tỉnh hằng năm chưa đáp ứng kịp thời với yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra.

Thống kê năm 2015, tỉnh được Chính phủ giao 2.168 biên chế công chức (UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị 2.152) và biên chế sự nghiệp 15.089. Theo tính toán, số lượng biên chế công chức trong các cơ quan cấp tỉnh trung bình 37 biên chế/cơ quan. Và từ năm  2007 đến nay, UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan cấp tỉnh 166 biên chế, bình quân mỗi năm giao 41 biên chế, chiếm 3,1% tổng số biên chế (trung bình mỗi cơ quan cấp tỉnh mỗi năm được giao 1,7 biên chế).

Số liệu trên cho thấy, số lượng biên chế phân bổ cho các cơ quan cấp tỉnh quá ít trong khi đó nhiệm vụ ngày càng tăng khiến cho áp lực công việc của công chức rất nặng nề. Xét về nhu cầu thực tế, tỉnh còn thiếu 546 biên chế công chức (chiếm 42% tổng số biên chế) để bố trí cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Còn ở các đơn vị sự nghiệp, lấy đơn cử từ ngành Giáo dục. Biên chế sự nghiệp giáo dục áp dụng cho một số vùng khó khăn có số trường, số lớp ít chưa hợp lý nhất là đối với các trường THCS phải bố trí giáo viên theo bộ môn nhưng định mức vẫn tính như các trường nhiều lớp nên dẫn đến các trường có số lớp ít sẽ thiếu giáo viên bộ môn. Còn ở bậc mầm non, theo Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD&ĐT-Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thì trên địa bàn tỉnh còn thiếu 553 giáo viên mầm non đứng lớp.

Thiếu là vậy nhưng chất lượng CBCCVC cũng là điều đáng bàn. Mới đây, một đồng nghiệp khi đi làm giấy tờ đất đai đã than thở: Chẳng hiểu văn hóa công sở để ở đâu mà cán bộ làm công tác giao dịch mặt lạnh tanh chỉ hỏi những câu trống không với giọng điệu không mấy được nhẹ nhàng như: “Hồ sơ đâu?”, “Không đúng”... Ít ra mình cũng lớn tuổi sao không nói được một câu chị à, cô à... Những người ở xung quanh lúc đó cũng khó chịu lắm nhưng lại tặc lưỡi, thôi nhịn cho xong việc…

Thậm chí, không ít cán bộ, công chức còn tỏ ra thiếu trách nhiệm với công việc được giao, “bớt xén” giờ giấc làm việc, “chân ngoài dài hơn chân trong”. Bởi vậy, không ít những trường hợp khi hướng dẫn, giải thích công việc cho người dân  một cách lòng vòng, khó hiểu, thái độ làm việc miễn cưỡng, chưa thật sự nhiệt tình, gây phiền hà, sách nhiễu khiến cho người dân có cảm tưởng như phải qụy lụy, xin xỏ...

Không dừng lại ở thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc được giao, một dạng biểu hiện khác của một số CBCCVC lại yếu về năng lực, thiếu chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Trên địa bàn tỉnh có 102 đơn vị hành chính cấp xã với số lượng cán bộ, công chức cấp xã hiện có là 2.225 người. Tuy nhiên, số cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn chỉ mới 2.037 người (dưới 90 %). Chính vì vậy, câu chuyện của những cán bộ dù đảm nhiệm các vị trí chủ chốt cấp xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh nhưng không chỉ bằng cấp chuyên môn, lý luận chính trị chưa đảm bảo tương ứng mà còn thiếu năng lực giải quyết công việc khi được giao vẫn mãi chưa có hồi kết…

Trên thông – dưới tắc

Các chủ trương, đường lối của Đảng được thể hiện chủ yếu, trực tiếp qua hệ thống công vụ. Trong khi đó, những người thực thi công vụ - đội ngũ CBCCVC đang là khía cạnh bị nhiều phàn nàn, đang có nhiều bất cập so với các yêu cầu của cải cách hành chính.

Thực tế cho thấy, có những vấn đề mặc dù đã quy định cụ thể, thủ tục hành chính cũng hết sức thông thoáng nhưng do năng lực, nhận thức, thói quen nuối tiếc với cơ chế xin - cho của một bộ phận CBCCVC nên sự việc tuy dễ lại hoá thành khó; rồi nhiều thủ tục mới được đặt ra nhưng năng lực giải quyết của CBCCVC hạn chế cộng với  tư tưởng cũ đã trở thành vật cản lớn. Bên cạnh đó, cũng có không ít CBCCVC có năng lực nhưng lại thiếu kỹ năng cả trong giao tiếp, ứng xử cũng như giải quyết công việc nên thay vì phục vụ, họ lại có thái độ ban phát, ứng xử thiếu văn hoá; cũng có CBCC cố tình gây khó dễ bằng cách giải quyết công việc chậm, cố tình sai hẹn để kiếm chác… đã khiến cho nhiều người dân mặc dù phàn nàn, khó chịu…

Cũng phải thấy rằng, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC bằng cách: cử CBCCVC theo học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;  xây dựng tiêu chuẩn, cơ cấu công chức; phân cấp quản lý CBCC; thực hiện chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức theo Quyết định 44/2009/QĐ-UBND ngày 31/7/2009 của UBND tỉnh; xây dựng văn hoá đạo đức nghề nghiệp CBCC... Cũng nhờ vậy chỉ số thành phần “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC” của tỉnh (trong tổng số 8 chỉ số thành phần Par index năm 2015) được xếp hạng cao. Cũng theo báo cáo chỉ số cải cách hành chính Par index năm 2015 của Bộ Nội vụ, người dân đánh giá về thái độ phục vụ công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Kon Tum: Tốt 56,3%, khá 35,19%, trung bình 7,78%; doanh nghiệp đánh giá về thái độ phục vụ của công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả: Tốt 31%, khá 50%, trung bình 19%.

Dù đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực như vậy nhưng so với  thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đến nay, mục tiêu đào tạo sau đại học đối với CBCCVC của tỉnh theo Quyết định số 33/2010/QĐ-UBND ngày 23/8/2010 của UBND tỉnh và chính sách thu hút người tài vào bộ máy hành chính của địa phương theo Quyết định số 44/2009/QĐ-UBND không đạt yêu cầu đề ra. Số lượng CBCCVC được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng nhưng dường như đang dừng lại ở mục đích hợp thức hóa về mặt bằng cấp. Trong khi đó, thực tiễn công tác yêu cầu ngoài việc phải đảm bảo chuẩn về bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị tương xứng với vị trí công tác thì mỗi CBCCVC phải không ngừng tự trau dồi, rèn luyện để áp dụng linh hoạt, sáng tạo vào tình hình thực tiễn.

Cải cách hành chính cốt lõi phải từ đội ngũ CBCCVC– Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Vì suy cho cùng, CBCCVC chính là những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ, nếu họ thiếu năng lực, kỹ năng và tinh thần trách nhiệm thì cho dù chủ trương, chính sách đúng và thông thoáng cũng không thể tránh được tình trạng “trên thông - dưới tắc”.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác