Công nghệ giáo dục và hội chứng đám đông

01/10/2018 06:59

​Chương trình công nghệ giáo dục được triển khai dạy tại một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã 4-5 năm nay. Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu vừa qua trên mạng xã hội không lan truyền một số clip, hình ảnh, bài hát chế tròn, vuông, tam giác bày tỏ sự phẫn nộ, chế giễu về chương trình dạy.

Những clip, hình ảnh, video chế giễu, đả kích… chỉ phút chốc được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Không khó để hiểu, bởi khi mở facebook, zalo, nhiều người dù chưa hiểu rõ ngọn ngành sự việc, theo hội chứng đám đông, cũng “té nước theo mưa”, thi nhau click chuột chia sẻ, chỉ trích, công kích thậm chí dùng những lời lẽ xúc phạm để thể hiện sự tức giận.

Không chỉ thế, nhiều người còn dành thời gian để chế giễu bằng cách viết những bài thơ bằng tròn, vuông, tam giác; rồi đi chợ, đi làm, đi chơi... thay vì sử dụng ngôn ngữ đời thường, họ thể hiện bằng kí hiệu tròn, vuông, tam giác và sau đó là những tràng cười khoái chí để thể hiện mình bắt kịp thông tin, bắt kịp với mạng xã hội; thể hiện mình là một chuyên gia về ngữ vần, phát âm…

Nhiều người bày tỏ sự bức xúc tột độ, thường xuyên đả kích, thế nhưng khi được hỏi anh/chị/cô/chú đọc bài toán ấy ở đâu, đã đọc quyển sách ấy chưa, thì hầu như tất cả đều lắc đầu. Thậm chí nhiều người còn chưa biết quyển sách tròn méo thế nào và điều đáng nói, đa số bị nhầm lẫn sách công nghệ giáo dục với chuyện đổi chữ viết.

Câu chuỵện về một ông bố có con từng học sách công nghệ giáo dục nhưng cứ nghĩ chương trình này chưa bao giờ áp dụng, khi thấy số đông chia sẻ, đả kích, ông cũng ra sức “hùa” theo. Sau này, khi nghe chính vợ (giáo viên) và con mình giải thích về cách dạy, cách đánh vần, ông mới vỡ nhẽ. Qua đấy mới thấy, thực ra nhiều người bức xúc đâu phải vì quan tâm đến việc học của con mà bị hút theo tâm lý đám đông.

Thực tế đâu phải ai cũng hiểu ra sự việc, dù ngay sau đó chính Giáo sư Hồ Ngọc Đại lên tiếng, rồi nhiều tác giả thẳng thắn chỉ rõ nhiều chiều vấn đề nhưng thay vì lên mạng tìm hiểu công nghệ giáo dục là gì, bình tĩnh suy xét, xem sự việc ở nhiều góc độ, nhiều người vẫn theo quan điểm, suy nghĩ chủ quan của cá nhân, của đám đông, bạn bè, mạng xã hội, tiếp tục “ném đá”.

Đâu chỉ công nghệ giáo dục trở thành “nạn nhân” của trào lưu đám đông, khi mạng xã hội trở thành nơi để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, nơi để giải tỏa những bức xúc, stress của cá nhân, của một nhóm, một hội, thì nhiều sự việc khôn lường theo đó cũng xảy ra.

Mới đây, một giáo viên trên địa bàn tỉnh phải công khai xin lỗi vì… tự thêm thắt thông tin rồi tung lên trang cá nhân facebook một câu chuyện không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh nói riêng và ngành Y tế trên địa bàn tỉnh nói chung.

Câu chuyện đó dù chưa được tìm hiểu nhưng nhanh chóng nhận được “bão” like, “bão” chia sẻ và cả “bão” bình luận. Trăm ngàn ý kiến bình luận, mỗi người thể hiện một cảm xúc, thái độ theo quan điểm của mình. Có những bình luận thể hiện sự thương cảm cho bệnh nhân, có rất nhiều bình luận bày tỏ sự bức xúc trước thái độ làm việc, đạo đức của những y, bác sĩ…

Việc xin lỗi được nhanh chóng thực hiện ngay sau đó. Tuy nhiên, trong số trăm ngàn người chia sẻ đâu phải ai cũng biết đến việc câu chuyện bị thêm thắt. Chính vì vậy, trong tâm thế nhiều người vẫn ác cảm với bệnh viện, với những nhân viên trong kíp trực.

Đâu chỉ câu chuyện trên, thực tế có rất nhiều cái chết đau lòng chỉ vì áp lực trước cư dân mạng chỉ trích; hay từ vụ formosa, bao nhiêu người chưa hiểu rõ sự việc đã hùa theo tâm lý đám đông và vô tình tiếp tay cho những thế lực phản động. Và nhiều sự việc khác nữa, mọi người cứ té nước theo mưa, khi hiểu rõ ngọn ngành, mọi việc đã đi quá xa.

Trong thời đại công nghệ số, không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực mà mạng xã hội đem lại. Nhưng cũng phải thừa nhận, mạng xã hội luôn là con dao hai lưỡi, nhất là với những “anh hùng bàn phím”, những người cố tình không hiểu, chủ yếu nghe ít, bình luận nhiều và không có chủ ý xây dựng.

Khi những cú click chuột chia sẻ, bình luận quá dễ dàng, không tránh khỏi tình trạng “hỗn chiến”, đám đông “ném đá” trên mạng xã hội. Làm sao để làm chủ thông tin mới là điều quan trọng.

Trước một thông tin đưa ra, thay vì nhanh chóng chia sẻ, bình luận để thể hiện sự nhanh nhạy, nắm bắt thông tin trước, cái quan trọng nhất vẫn là tìm hiểu rõ bản chất vấn đề. Hãy là những người tiếp nhận thông tin một cách văn minh, dừng lại vài giây, bình tĩnh suy nghĩ để tránh đẩy sự việc đi quá xa.

Hãy để mạng xã hội giúp mọi người ở xa xích lại gần nhau, đừng gây thêm mâu thuẫn, tranh cãi chỉ vì… tâm lý đám đông.

Bình An

Chuyên mục khác