Chung tay vì người nghèo: Không để ai bị bỏ lại phía sau

29/10/2019 06:12

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được Thủ tướng Chính phủ phát động từ cuối năm 2016 và đến nay tiếp tục đẩy mạnh, điều này thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với người nghèo. “Tháng cao điểm vì người nghèo” chính là điểm nhấn, là dịp để mỗi tổ chức, cá nhân thể hiện nhiều hơn những hành động, việc làm thiết thực dành cho các mảnh đời còn nghèo khó trong xã hội.

Vừa qua, cùng với cả nước, tại tỉnh ta, Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp cùng Ban vận động “Ngày vì người nghèo” phát động “Tháng cao điểm vì người nghèo” năm 2019. “Tháng cao điểm vì người nghèo” được tính từ ngày 17/10 - 18/11 với mục đích tập trung vận động các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhà hảo tâm, cộng đồng dân cư... chung tay ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và chương trình an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Kon Tum là một tỉnh miền núi với nhiều vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ đồng bào DTTS cao nên số lượng hộ nghèo khá cao. Các gia đình này đều rất khó khăn, nhiều hộ không có khả năng về kinh tế để tự nâng cấp hoặc xây mới nhà ở; thiếu vật tư, công cụ sản xuất; mắc các bệnh hiểm nghèo… Việc tổ chức phát động phong trào ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta và đây chính là việc làm thiết thực, góp phần thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chỉ tính riêng năm qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân đã ủng hộ 26,513 tỷ đồng vào Quỹ “Vì người nghèo” các cấp. Từ nguồn này, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều hoạt động như thăm và tặng quà cho hộ nghèo, trẻ em, người gặp khó khăn trong cuộc sống nhân các dịp lễ, tết; hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho đoàn viên, hội viên, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, xây dựng các công trình dân sinh, ủng hộ các quỹ từ thiện nhân đạo, tặng quà, học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo… Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau”, qua đó, giúp những người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững và chung sức xây dựng nông thôn mới.

Tặng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Ia Chim, thành phố Kon Tum. Ảnh: Mai Trâm

 

Phải khẳng định rằng giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; công tác giảm nghèo luôn nhận được quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được cộng đồng ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ. Chính vì vậy, việc chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo diễn ra trong suốt cả năm với rất nhiều chủ trương, chính sách, chương trình đầu tư, hỗ trợ người nghèo được triển khai thực hiện.

Hằng năm, Chính phủ đã dành hàng ngàn tỷ đồng cho các chương trình, mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm triển khai nhiều hoạt động ủng hộ, giúp đỡ cho những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống…

Ở tỉnh ta, công tác giảm nghèo được cả hệ thống chính trị coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu cần quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện và huy động cả cộng đồng xã hội tích cực tham gia. Cùng với sự đầu tư của Chính phủ, tỉnh chủ động đề ra nhiều chủ trương, quyết sách, chương trình đầu tư, chăm lo, hỗ trợ cho những vùng khó khăn, các hộ nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội nhằm chăm lo tốt đời sống người dân, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững; đầu tư về hạ tầng, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là ở những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã, làng thuộc diện khó khăn, đặc biệt khó khăn của tỉnh; thực hiện đầy đủ chế độ chính sách, cải thiện, nâng mức sống cho các đối tượng chính sách xã hội.

Nhằm giúp người dân giảm nghèo bền vững, công tác giáo dục nghề nghiệp được các cấp chính quyền và ngành chức năng chú trọng triển khai hằng năm; trong đó, ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, DTTS, người dân thuộc xã khó khăn, đặc biệt khó khăn đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề…

Các tổ chức đoàn thể, các địa phương tùy vào điều kiện, tình hình thực tế triển khai nhiều chương trình giúp đỡ cho đoàn viên, hội viên của mình như: “Mái ấm Công đoàn” của Liên đoàn Lao động tỉnh, “Mái ấm cho phụ nữ nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, “Mái ấm đồng đội” của Hội Cựu chiến binh... Ngay tại mỗi thôn, làng, mỗi khu dân cư, bà con cũng đã có nhiều cách tương trợ, giúp đỡ nhau như: Hỗ trợ cây, con giống, cho mượn giống vốn không tính lời, giúp đỡ ngày công lao động… đây chính là những trợ lực tốt để người nghèo vượt qua thời điểm khó khăn.

Từ sự đầu tư, hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm, động viên của cộng đồng xã hội, mỗi hộ nghèo, người nghèo có điều kiện và động lực để nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua đã đạt được kết quả ấn tượng. Giai đoạn 2016 - 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm; đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 22.851 hộ nghèo, chiếm 17,29%.

Tuy nhiên, trong những năm qua, tình hình thiên tai, dịch bệnh luôn xảy ra trên địa bàn tỉnh ta và có diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đời sống một bộ phận nhân dân. Mỗi cơn bão, lũ đi qua chính là lúc nhiều nhà cửa, tài sản của Nhà nước và người dân bị cuốn trôi; mỗi đợt dịch bệnh xảy ra là thu nhập của người dân bị giảm sút, thậm chí là rơi vào cảnh nợ nần, khốn khó. Vì vậy “cuộc chiến giảm nghèo” còn nhiều gian nan, khó đạt được kết quả bền vững và tỷ lệ tái nghèo gia tăng.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”, từng bước giảm nghèo và vươn tới mục tiêu mọi người, mọi nhà ấm no, đòi hỏi phải có quyết tâm, trách nhiệm chia sẻ của cả cộng đồng. Sự đầu tư, hỗ trợ bằng vật chất của các cấp, các ngành và toàn xã hội chính là điểm tựa, đòn bẩy để những người nghèo có đủ năng lực, đủ điều kiện thoát nghèo bền vững. Mọi người hãy cùng chung tay hành động vì một xã hội tốt đẹp!

Thùy Hương

Chuyên mục khác