Chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả với thiên tai

13/06/2022 06:06

Cùng với cả nước, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh ngày càng được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường của thiên tai thì việc chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, nhất là trong mùa mưa bão.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, những năm gần đây, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Kon Tum diễn biến hết sức phức tạp như nắng nóng kéo dài gây ra hạn hán cục bộ tại một số khu vực; mưa lớn kéo dài gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, lốc xoáy, dông sét... Ảnh hưởng của thiên tai đang có chiều hướng tăng lên cả về cường độ, số lượng và mức độ nguy hiểm, gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Đơn cử như năm 2021, thời tiết nắng nóng đã làm 93,84 ha cây trồng ở các địa phương như Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy và thành phố Kon Tum bị khô hạn. Mưa lũ đã làm 3 người chết, làm hư hại 136 nhà ở của người dân, 17 phòng học, 1 trạm y tế. Bão, lũ cũng đã làm 728,1ha cây trồng bị ảnh hưởng, 48 con gia súc bị chết và nước lũ cuốn trôi, 33,47ha ao hồ bị ngập tràn, xói lở. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông - Ngọc Linh; đường tuần tra biên giới; đường Đông Trường Sơn... và nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị sạt lở, hư hỏng. 40 công trình thủy lợi và nhiều cầu cồng, ngầm rãnh thoát nước cũng bị mưa lũ tàn phá... Tổng giá trị thiệt hại do mưa bão, lũ lụt gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 126,61 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai có những diễn biến phức tạp và dị thường trên cả nước như mưa lũ lớn trái quy luật kèm theo dông lốc, sóng lớn tại một số tỉnh miền Trung; đợt rét hiếm gặp ở khu vực miền núi phía Bắc xảy ra hồi tháng 2... Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong 4 tháng đầu năm ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng.

Tại tỉnh ta, những tháng đầu năm, động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plông, mùa mưa đến sớm hơn so với quy luật nhiều năm đã gây ra mưa lớn, sạt lở đất ở nhiều nơi. Thiên tai được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới, bởi đây là thời gian cao điểm của mùa mưa bão.

 Việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai là nhiệm vụ quan trọng trong mùa mưa bão. Ảnh: T.H

 

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum, trong năm 2022, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm, trong đó có 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết tỉnh Kon Tum trong thời kỳ từ tháng 8-10. Từ tháng 7 - 10, có nguy cơ xuất hiện từ 1-2 đợt gió mạnh do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, 5 -6 đợt mưa lớn trên diện rộng gây lũ quét, sạt lở đất, lũ trên các sông, ngập lụt ở các vùng trũng thấp.

Khách quan nhìn nhận, thời gian qua, tỉnh đã triển khai cơ bản hiệu quả các giải pháp phòng chống, ứng phó, và công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn có chuyển biến đáng kể khi chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa,ứng phó kịp thời. Sự chủ động, tích cực của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ này đã góp phần giảm thiểu đáng kể thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững. Tuy nhiên, thiên tai thì luôn diễn biến khó lường, trong khi đó những tác động, thiệt hại do thiên tai gây ra luôn rất nặng nề. Vì vậy, công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai cần phải được chú trọng và tập trung trên cơ sở chủ động phòng tránh là chủ yếu, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả, đặc biệt là trong mùa mưa bão này.

Nhằm chủ động trong công tác phòng chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tái thiết sau thiên tai góp phần ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân trên địa bàn và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngày 12/4/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 188/QĐ-UBND về Kế hoạch Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ là nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi có thiên tai xảy ra từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, xã, thôn, khu dân cư để mọi người phòng tránh. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai.

Thực tế đã chứng minh, công tác phòng tránh càng được thực hiện từ sớm, từ xa thì càng ít bị động, bất ngờ khi thiên tai xảy ra. Và phương án “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) là bài học chưa bao giờ cũ. Qua nhiều mùa mưa bão cho thấy địa phương nào chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ” thì sẽ ứng phó hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Phương án “4 tại chỗ” này không chỉ của các cấp, ngành mà cần được thực hiện ngay trong mỗi gia đình. Đây chính là yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, lụt bão ở các địa phương.

 Tỉnh ta đã bước vào mùa mưa bão. Để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tại gây ra, việc chủ động phòng chống là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc, tinh thần trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và của mỗi người dân.

Thùy Hương

Chuyên mục khác