Cho vàng không bằng chỉ đàng làm ăn

16/10/2017 18:18

Cha ông ta từ xưa đã nói như vậy với hàm ý rằng, hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ bảo cho cách làm ăn sẽ hiệu quả hơn là sự hỗ trợ vật chất trực tiếp. Tương tự, khi nói về chuyện giúp đỡ hộ nghèo nhiều người vẫn hay ví von, nên cho cần câu và chỉ cho cách câu thay vì cho con cá. Nghĩa là, nên giúp người nghèo tức thời, trực tiếp (“cho vàng”, “con cá”) hay là sự giúp đỡ nền tảng, gián tiếp tạo điều kiện cho người nghèo dần vươn lên (“chỉ đàng làm ăn”, “cho cần câu”).

Thực ra, “cho vàng”, cho “con cá” hay “chỉ đàng làm ăn”, trao “cần câu” và dạy cho cách đi câu đều quý với người nghèo. Vì nghèo hay gặp eo, đói nghèo lại hay đi cùng với bệnh tật, hoạn nạn nên cũng không quá khó để mỗi chúng ta bắt gặp hình ảnh chạy ăn từng bữa, hay là chỉ mới dừng lại “no cái bụng” của nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa. Vậy nên, từ những gói mì tôm, những bộ quần áo dù đã cũ, cho đến những con bò, con heo, các loại cây giống… hỗ trợ sinh kế đều là sự giúp đỡ cần thiết cho người nghèo không phải chịu cảnh bữa đói bữa no, có thêm tự tin, động lực, niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Tuy nhiên, cách hỗ trợ người nghèo sao cho ý nghĩa nhất có lẽ không dừng lại ở là vài chục cân gạo, thùng mì tôm, con bò giống, cây giống hay bao phân bón… Giải pháp lâu dài, căn cơ vẫn luôn được nhiều người nhắc đến chính là việc “chỉ đàng làm ăn”, là trao “cần câu”, hỗ trợ giảm nghèo cần đi kèm với việc tăng cường vai trò chủ động thoát nghèo của chính bản thân họ. Nói cách khác, cũng từ “con cá”, “chỉ vàng” ấy, phải bằng cách nào đó giúp người nghèo qua thời gian biết cách làm ăn ngày càng sinh sôi nảy nở, tăng lên gấp 2-3 lần so với sự hỗ trợ ban đầu…

Còn nhớ, anh A Kiên – một hộ nghèo ở thôn 10, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy đã không khỏi phấn khởi khi nói về mô hình trồng nghệ vàng sạch. Anh kể rằng, vốn chỉ quen trồng mì, trồng lúa nay được sự hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón từ Dự án giảm nghèo Tây Nguyên, lại được bao tiêu sản phẩm nên xuống giống hơn 1 sào nghệ trên 2 khoảnh đất phía sau nhà bấy lâu nay để trống. Hiệu quả thấy rõ, gia đình anh mừng, những người tham gia mô hình ai nấy đều mừng. Niềm vui mừng ấy của anh có lẽ không dừng lại ở số tiền thu được (khoảng 10 triệu đồng từ vụ đầu này) mà quan trọng hơn nhờ sự hướng dẫn, chỉ bày, những hộ nghèo như anh đã biết cách làm ăn.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang ở tổ 4, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum cũng tương tự như vậy. Nhờ mô hình 5 hộ trong 1 xã/phường/thị trấn, năm 2016, chị được lựa chọn là 1 trong 5 hộ nghèo để quan tâm, giúp đỡ. Hội LHPN phường đã “chỉ đàng làm ăn” bằng cách giúp chị vay vốn, hướng dẫn chị cách sử dụng vốn để xoay xở mua bán rau củ các loại. Tích tiểu thành đại, dần dà, nay gia đình chị thoát nghèo.

Thực ra những hộ từng là hộ nghèo như anh Kiên, chị Trang chia sẻ rằng, được “chỉ đàng”, được cho “cần câu” sẽ không hấp dẫn so với cho “con cá”, với “vàng”. Nên nếu được lựa chọn, chắc chắn, nhiều người nghèo sẽ chọn “vàng”, chọn “cá” - có giá trị về mặt kinh tế và hiệu quả tức thời hơn. Nhưng khi được phân tích những thiệt hơn về lâu dài, họ nhận ra rằng được “chỉ đàng”, được “trao cần câu” và dạy cách đi câu thì hiệu quả, giá trị trong phát triển kinh tế sẽ cao, bền vững hơn.

Vì không chỉ được sẻ chia, thấu hiểu, được hỗ trợ sinh kế mà nhờ được “chỉ đàng” đã giúp họ thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, tư duy sản xuất, chủ động học hỏi, chủ động vươn lên trong phát triển kinh tế.

Vì hiểu một cách ẩn dụ, “cho con cá”, “cho vàng”, hộ nghèo sẽ sử dụng thiếu đi mục đích (theo kiểu nói dân gian “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”), nghèo cứ thế mà hoàn nghèo. Còn khi người nghèo được “chỉ đàng”, được “trao cần câu” và chỉ cách câu buộc họ phải sử dụng công cụ sản xuất và những kiến thức được trang bị để làm ăn, để tìm ra cách thức thoát nghèo.

Nhưng, không phải hộ nào cũng làm được như anh Kiên, chị Trang. Cũng có những hộ nghèo được “cho vàng”: được hỗ trợ tiền thì dùng mua rượu, ăn chơi hoặc chẳng biết để làm gì; được hỗ trợ cây, con giống thì cũng chỉ được năm bữa nửa tháng lại bị chết, thậm chí có hộ còn bán, làm thịt luôn cả con giống…

Người nghèo thường cần đủ thứ, từ “vàng” cho tới “chỉ đàng làm ăn”. Vấn đề là, trong bối cảnh các chế độ an sinh xã hội chưa thể bao phủ toàn diện trong mọi thời điểm thì cơ hội việc làm, tự tạo việc làm và biết cách làm đối với người nghèo chính là nguồn thu nhập, là công cụ an sinh quan trọng nhất, bền vững nhất. Vậy nên, “chỉ đàng làm ăn” chính là định hướng, là niềm tin của cả cộng đồng giúp người nghèo có điểm tựa để phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo!

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác