Chặt "vòi bạch tuộc" tín dụng đen

24/12/2018 06:18

​Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Công an tỉnh Kon Tum đang mở "chiến dịch" tấn công mạnh mẽ vào hoạt động cho vay nặng lãi (hay còn gọi là tín dụng đen). Nhưng để chặt bỏ "vòi bạch tuộc" tín dụng đen ấy, rất cần sự chung tay của mỗi người...

Tôi có biết một bạn trẻ (xin được giấu tên) bị cái “vòi” ấy quấn chặt. Cả 2 vợ chồng bạn ấy đều là công chức, đang sinh sống yên lành ở thành phố Kon Tum. Cho đến một hôm, đám người lạ xuất hiện, xăm trổ và hung hãn, đòi chị vợ trả nợ.
Đến lúc này anh chồng mới ngã ngửa, hóa ra vợ mình đã vay một khoản tiền không nhỏ từ một nhóm cho vay nặng lãi. Ngày qua ngày, lãi mẹ đẻ lãi con, chị mất khả năng thanh toán. Thế là chúng tìm đến nhà...
Hàng ngày, chúng dùng đủ mọi chiêu trò, gọi điện thoại có, đến nhà hăm dọa, khủng bố tinh thần có… Bởi thế, anh bạn tôi phải bấm bụng bán tháo ngôi nhà đang ở để trả nợ. Thế nhưng, nhà bán rồi vẫn không đủ, anh phải vay tiếp ngân hàng mới trả hết, để gia đình được yên thân.
Giải quyết xong món nợ thì anh chị trắng tay, hạnh phúc gia đình đứng bên bờ vực vì hai vợ chồng đang sống ly thân chờ ra tòa xin ly hôn; chị vợ có nguy cơ bị mất việc... 
Tôi nghe kể mà lo lắng cho hoàn cảnh của bạn trẻ, nhưng cũng chỉ biết an ủi đôi lời chứ không thể giúp được gì.
Một câu chuyện nữa mà tôi vô tình nghe được khi đi ăn cơm “bụi”, từ lời của một người trông xe cho quán. Có một thanh niên làm thuê cho một nhà hàng trên địa bàn thành phố Kon Tum, vay “nóng” một khoản tiền là 60 triệu đồng của nhóm cho vay nặng lãi. Chỉ trong vòng 3 năm sau, số tiền trên đã lên tới 600 triệu đồng, cả gốc lẫn lãi. Cậu thanh niên đang ngập trong khủng hoảng vì số nợ khủng ấy.
Tôi nghe mà giật mình, bởi chưa có một loại hình kinh doanh nào, tổ chức tín dụng, ngân hàng nào lại có lãi nhanh đến như thế…
Người thanh niên nọ phải xoay xở như thế nào với gánh nặng nợ nần ấy thì không rõ, nhưng hẳn rằng cái kết không hề có hậu là điều dễ đoán…
Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều câu chuyện về sự hoành hành của “tín dụng đen” mà chúng ta có thể nghe được ở bất cứ đâu; ở chợ, bệnh viện, bến xe, quán cà phê và ở cả những bữa cơm gia đình.

Nhan nhản lời mời chào hấp dẫn từ các tổ chức tín dụng đen. Ảnh: T.D


Không nghi ngờ gì nữa, “con bạch tuộc” tín dụng đen đã và đang vươn những cái “vòi” gớm ghiếc khắp nơi, từ đô thị đến nông thôn, phủ bóng đen ám ảnh lên nhiều mái nhà.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 công ty tài chính đang hoạt động, đã đăng ký ngành nghề “hoạt động cấp tín dụng khác”, “hoạt động trung gian tiền tệ”; 7 nhóm (với khoảng 30 đối tượng) nghi vấn cho vay nặng lãi dưới hình thức dán tờ rơi quảng cáo, hầu hết các nhóm đối tượng này đều từ các tỉnh phía Bắc (như Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình...) vào địa bàn hoạt động.
Các nhóm đối tượng đa số hoạt động núp bóng dưới hình thức cho thuê tài sản (ô tô, xe máy), tiền lãi và tiền gốc trả cho đối tượng theo hình thức trả tiền thuê hàng ngày; cho vay dưới hình thức cầm cố tài sản, tiền lãi và gốc trả theo kỳ hạn (5-10 ngày trả 1 lần): hoặc cho vay dưới hình thức tín chấp tiêu dùng dưới dạng cung cấp thông tin cá nhân của người vay (chứng minh thư, sổ hộ khẩu...), người vay viết giấy nợ, lãi suất từ 25-50%/tháng...
Điều đáng nói là, dường như ai cũng có thể nói vanh vách về “cái bẫy” tín dụng đen. Một chị bán rau ở chợ tạm cũng có thể cho biết “đừng dại mà tin những lời mời chào hấp dẫn như “uy tín, chất lượng” hay “thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng”… để mắc vào rồi thì khó lòng gỡ ra được, tan cửa, nát nhà như chơi”.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao tín dụng đen vẫn có đất sống, không những thế, còn lây lan nhanh chóng?
Phải chăng vì tín dụng Nhà nước thực sự rắc rối và phức tạp? Để người dân có nhu cầu hoàn tất thủ tục và nhận được tiền từ ngân hàng sẽ mất nhiều thời gian và qua nhiều bước thủ tục pháp lý. Trong khi đó, tín dụng đen thì “đánh nhanh rút gọn”, ký giấy là có tiền.
Phải chăng vì nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, khi “bí quá hóa liều”, cứ vay giải quyết công việc rồi tính tiếp?
Phải chăng cơ quan quản lý còn buông lỏng quản lý, còn chủ quan trong công tác đấu tranh với loại hình tội phạm trên? Luật pháp còn kẽ hở để các đối tượng lợi dụng? Mức xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe?...
Nhưng có một vấn đề rất quan trọng là ý thức đấu tranh của người dân, trong đó có những nạn nhân của cái “vòi bạch tuộc” ấy còn nhiều điều đáng bàn. Đại tá Nguyễn Công Văn đã phải “phàn nàn” ngay tại nghị trường kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XI vừa qua, rằng: Một trong những  khó khăn trong công tác đấu tranh với tín dụng đen hiện nay là chưa có sự phối hợp chủ động và tích cực của người dân.
Kể cả các nạn nhân của tín dụng đen cũng ngại, hoặc không dám đứng ra tố cáo hành vi vi phạm của các đối tượng, do tâm lý e ngại, sợ bị các đối tượng trả trù - ông Văn nói.
Theo người đứng đầu ngành Công an tỉnh, cơ quan chức năng cũng đã rất nỗ lực trong công tác đấu tranh, xử lý, ngăn chặn tín dụng đen, như đã gọi hỏi, răn đe khoảng 50 đối tượng; đồng thời thu thập danh sách, nhân thân, lai lịch các đối tượng phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh. 
Đặc biệt, từ tháng 6/2018 đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 2 vụ án, khởi tố 3 bị can về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, và hiện đang tiếp tục mở rộng điều tra; phát hiện và xử phạt 1 cơ sở cầm đồ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Công an tỉnh đang triển khai chiến dịch tấn công mạnh mẽ vào hoạt động tín dụng đen. Theo đó, các lực lượng nghiệp vụ tăng cường nắm tình hình, chủ động phát hiện các hành vi mới, thủ đoạn mới của các đối tượng; thường xuyên gọi hỏi, răn đe, quản lý chặt số đối tượng hoạt động trong băng nhóm; điều tra, giải quyết nhanh các vụ, việc liên quan đến băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”...
Nhưng như thế là chưa đủ. Đã đến lúc, mỗi người trong chúng ta, bên cạnh việc hiểu và tránh xa “cái vòi bạch tuộc” gớm ghiếc ấy, cần chủ động và tích cực trong phối hợp với cơ quan chức năng để chặt bỏ chúng.
Đó cũng chính là cách “tự vệ” tốt nhất!

Thùy Dương

 

Chuyên mục khác