Cải cách tiền lương, động lực cho sự phát triển

23/05/2018 13:06

​Hội nghị Trung ương 7, khóa XII đã thống nhất thông qua 3 nghị quyết quan trọng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và cải cách chính sách tiền lương. Với quan điểm tiền lương phải là thu nhập chính, vấn đề cải cách tiền lương mà Hội nghị bàn bạc và thông qua đã thu hút sự quan tâm, đồng tình của dư luận. Không chỉ giải quyết được những khó khăn trong đời sống của người lao động, những cải cách lần này còn là chìa khóa giải quyết được nhiều vấn đề, tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

1. Lâu nay, khi nói đến lương, đã có loanh quanh không ít chuyện. Nào là, lương tăng 1, giá tăng 10; nào là lương chưa tăng, giá đã phi mã chóng mặt; nào là giá ơi, thương lấy lương cùng; nào là có ai sống được bằng lương đâu…

Thấp thỏm theo lương, bao nhiêu lần tăng lương là bấy nhiêu lần cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khấp khởi. Mừng vì tăng mức lương cơ bản, mỗi tháng có thêm đôi ba trăm phụ vào nộp tiền học cho con hay gom góp lại trong nhiều tháng mua sắm một vật dụng nào đó tương đối có giá trị cho gia đình…

Nhưng, với mức lương cơ sở thấp, mỗi lẫn tăng lại ít nên dù đã bao nhiêu lần tăng lương cộng với hệ số tăng theo thâm niên công tác nhưng không ít cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vẫn khó mà sống được bằng lương.

Nếu lấy theo mức lương cơ sở hiện tại là 1,3 triệu đồng nhân với hệ số 2,34 thì một sinh viên mới ra trường chỉ có mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng (sau khi trừ đóng bảo hiểm). Tính theo mặt bằng chung, sau 10 năm công tác, lập gia đình, có 2 con, theo thâm niên công tác, mức lương của họ mới chỉ trên 4 triệu đồng/tháng. Như vậy, lương hai vợ chồng trẻ sau 10 năm ra trường công tác, mỗi tháng chưa đến chục triệu đồng.

Với mức lương đó, không ít cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đành phải chi tiêu hết sức tằn tiện và lo cho các con ăn học. Những buổi chợ cứ thế mà đắn đo, vừa làm sao cho đảm bảo dinh dưỡng để tái tạo sức lao động vừa để chi sao không bị thiếu trước hụt sau.

Không ít gia đình người hưởng lương ngân sách nếu phải mua sắm thứ gì có giá trị như chiếc xe máy, bộ bàn ghế… đều phải tính chuyện vay nợ. Tín chấp vay tiêu dùng – gói vay được các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh giải ngân cho công chức, viên chức, người lao động đang hưởng lương ngân sách, có sự xác nhận của lãnh đạo các cơ quan – đã đáp ứng nhu cầu của công chức, viên chức, người lao động, đồng thời minh chứng thêm cho thấy mức lương thấp, khó mà tích lũy lớn.

Lương thấp, không ít công chức, viên chức đành tìm nguồn khác ngoài lương để bù thâm hụt, kiểu làm khó để ló ra tiền, vòi vĩnh, khó dễ khi giải quyết công việc với các tổ chức, cá nhân.

Có công chức, viên chức “chân ngoài dài hơn chân trong”. Công chức thì tranh thủ bớt xén tí giờ nhà nước bán hàng qua mạng, từ áo quần, mỹ phẩm, thực phẩm theo kiểu dạng trung chuyển cho đến bỏ công làm lời sơ chế, chế biến các món ăn, thức uống… để kiếm thêm thu nhập. Giáo viên sau giờ dạy chính khóa ở trường thì tranh thủ dạy thêm, người thì vài ba em, người thì hết lớp nọ đến lớp kia. Bác sĩ ở các vùng thuận lợi thì mở phòng mạch tư, dược sĩ thì mở hiệu thuốc…

Thậm chí nhiều người, dù yêu nghề, gắn bó với công việc nhiều năm đã quyết định bỏ việc chuyển ra ngoài kiếm kế mưu sinh. Và trên thực tế, đã xuất hiện tình trạng di chuyển chất xám, những công chức, viên chức có năng lực công tác vì chê lương thấp, đãi ngộ không tương xứng đã chuyển từ khu vực công sang khu vực tư…

2. Cải cách tiền lương vì thế là yêu cầu tất yếu và cấp thiết không chỉ nhằm đảm bảo yêu cầu cuộc sống cho người hưởng lương mà còn là chìa khóa giải quyết thêm nhiều vấn đề khác. Nói cách khác, lương tăng, người hưởng lương ngân sách sẽ yên tâm với mức thu nhập, yên tâm, chuyên tâm hơn với công việc được giao, hạn chế được tình trạng dịch chuyển chất xám hay chảy máu chất xám, hiệu quả công việc mang lại sẽ cao hơn.

Không chỉ vậy, khi người hưởng lương sống được bằng lương, cộng với sự nghiêm túc, chặt chẽ trong quản lý, gắn với trách nhiệm, giao việc cụ thể  nhằm nâng cao năng suất lao động sẽ phần nào giảm bớt được kiểu vòi vĩnh nhằm kiếm thêm thu nhập ngoài lương, ngăn ngừa được nhũng nhiễu, nạn tham nhũng…

Bởi vậy, vấn đề cải cách tiền lương mà Hội nghị Trung ương 7 đặt ra và được thông qua lần này rất được dư luận quan tâm, là tin vui đối với những người hưởng lương ngân sách.

Như đã nói, cho đến nay, nước ta trải qua 4 lần cải cách tiền lương, lần gần đây nhất là năm 2004 nhưng mức lương của cán bộ, công chức, người lao động hiện nay còn thấp so với mức sống trên địa bàn.

Hơn nữa, theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong tổng thu nhập của người lao động thì phụ cấp chiếm tới 54,55%, còn lại là từ lương được Nhà nước trả theo ngạch, bậc. Việc các loại phụ cấp nhiều hơn lương làm mất đi bản chất tiền lương và lương chưa phải là động lực của người hưởng lương.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, cải cách chính sách tiền lương là tất yếu, nhưng để thực sự mang lại hiệu quả thì cần phải gắn chặt với việc thực hiện và thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19 về  tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập mà Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII đã ban hành.

Bởi, đất nước còn khó khăn, tiền để chi trả lương cho những người hưởng lương ngân sách là từ nguồn thuế của dân. Mỗi lần tăng lương, cải cách tiền lương, là mỗi lần Trung ương bàn bạc, trăn trở. Thế mới thấy, ai cũng muốn tăng lương cho công chức, viên chức nhưng nói một cách ví von miếng bánh ngân sách có giới hạn. Nếu vẫn còn đó 30% cán bộ sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu, thì tăng lương không chỉ tạo ra gánh nặng cho ngân sách mà còn chưa trân quý đồng thuế nhân dân đóng góp.

Nói cách khác, tăng lương phải đi cùng với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, phải gắn với nâng cao năng suất lao động… mới tạo được động lực cho sự phát triển.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác