Bước khởi đầu ấn tượng

03/04/2023 06:02

Trong quý I/2023, bức tranh kinh tế của tỉnh ta có khởi đầu thuận lợi với mức tăng trưởng đạt 6,82%, cao nhất trong khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 23 cả nước. Đây là tín hiệu tốt cho thấy kinh tế của tỉnh đang trên đà phục hồi và những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế đang phát huy hiệu quả tích cực.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, nhưng cùng với cả nước, Kon Tum vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và có bước khởi động với nhiều tín hiệu tốt. Điều đó được thể hiện qua từng con số “biết nói” trong báo cáo phát triển kinh tế- xã hội quý I của UBND tỉnh.

Nhìn tổng thể, kinh tế tăng trưởng toàn diện trên tất cả các mặt, lĩnh vực với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả quý (theo giá so sánh 2010) ước đạt 3.748,6 tỷ đồng, tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 852 tỷ đồng, đạt 26,2% dự toán Trung ương, tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 6.047,7 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ, trong đó, vốn đầu tư khu vực tư nhân là 4.421 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng cao. Ảnh: T.H 

 

Động lực tăng trưởng chính của kinh tế tỉnh ta là ngành công nghiệp-xây dựng tiếp tục có bước phát triển nhanh với chỉ số phát triển công nghiệp ước tính tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 2.212 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, ngành khai thác khoáng sản có mức tăng ấn tượng đạt 19,82%, khi các công trình xây dựng được triển khai sớm ngay từ đầu năm đẩy sản lượng khai thác cát, đá, sỏi tăng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Công nghiệp chế biến, chế tạo với vai trò là lĩnh vực chủ lực của ngành công nghiệp cũng giữ được mức tăng trưởng cao, với giá trị tăng thêm đạt 9,71%.

Thương mại-dịch vụ tăng đáng kể với tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm ước đạt 8.509 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 72 triệu USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Đặc biệt, hoạt động du lịch tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và chiều hướng phát triển tốt với lượng du khách đến Kon Tum trong quý I đạt hơn 600.350 lượt khách, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 246,5 tỷ đồng,  tăng 3,8 lần so với cùng kỳ. Qua đó, đóng tích cực vào phát triển kinh tế và tăng trưởng chung của tỉnh.

Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi các chỉ tiêu chủ yếu về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được phát hiện và xử lý kịp thời. Công tác quản lý bảo vệ rừng được triển khai quyết liệt nên số vụ vi phạm, khối lượng gỗ vi phạm, diện tích rừng bị thiệt hại đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Ảnh: TH

 

Một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I là công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được quan tâm, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thể hiện ở số doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới là trên 60 doanh nghiệp và 14 hợp tác xã. Thu hút 2 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 14,3 tỷ đồng và một số nhà đầu tư, tập đoàn có tiềm lực đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh.

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cũng tích cực rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh như Quy hoạch chung thành phố Kon Tum, xây dựng Khu du lịch Măng Đen, điều chỉnh cục bộ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn huyện lỵ huyện Ia H’Drai đến năm 2030, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022-2026. Việc cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch kịp thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những kết quả cho thấy quyết tâm lãnh đạo, điều hành, triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế với những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, sát thực tiễn các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Cùng với đó là sự hỗ trợ tích cực của Trung ương, sự ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, không chỉ nhìn vào thành tích mà UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận về những mặt còn hạn chế, yếu kém và những thách thức phải đối mặt. Đó là, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp, đạt khoảng 12,62% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 địa phương giao và đạt khoảng 10,42% so với kế hoạch vốn trung ương giao, thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, bởi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng của tỉnh chậm trễ. Tiến độ xây dựng nông thôn mới chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do các xã đều gặp khó khăn trong việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo.

Việc đánh giá chính xác, khách quan các thành quả đạt được, đồng thời, nhìn thẳng vào hạn chế giúp các cấp, các ngành, địa phương có định hướng, điều hành phù hợp, linh hoạt, hiệu quả trong thời gian tới, trước mắt là trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế quý II. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TU (ngày 2/12/2022) “về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2023”.

Có thể nói, với bước chạy đà ấn tượng trong quý I giúp tạo nền tảng và động lực để tỉnh ta tiếp tục đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn khá dài và để đảm bảo mục tiêu đề ra, đòi hỏi tinh thần quyết tâm, quyết liệt, trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị và sự tin tưởng, đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh.

Thùy Hương

Chuyên mục khác