Bức thông điệp về an toàn giao thông

13/09/2020 13:15

Có lẽ không ít người tự hỏi, vì sao tháng 9 hàng năm là tháng an toàn giao thông? Như chúng ta đã biết, tháng 9 là tháng học sinh trên cả nước bước vào năm học mới, nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Bởi thế, tăng cường giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên khi đến trường là điều cần thiết.

Ngày 1/9/1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 718, lấy tháng 9 hàng năm làm “Tháng an toàn giao thông”. Và từ đó đến nay, tháng 9 hàng năm là tháng cao điểm tuyên truyền về an toàn giao thông, phổ biến kịp thời, sâu rộng đến mọi người dân trong xã hội về thực trạng tai nạn giao thông; những thiệt hại về người và của do tai nạn giao thông gây ra; nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng trong việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông.

Vào tháng cao điểm, các lực lượng chức năng, các địa phương, ngành liên quan tổ chức vận động cán bộ, nhân dân tự giác chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông; đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và nhân dân trong việc giáo dục con em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn giao thông; tuyên truyền, vận động người điều khiển phương tiện có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông…

Tháng 9 năm nay, Công an tỉnh triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường- tháng 9” với quyết tâm lập lại trật tự an toàn giao thông trên toàn địa bàn. Theo đó, Công an tỉnh tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đảm bảo an toàn giao thông cho các hoạt động trong dịp lễ khai giảng năm học mới 2020 - 2021 và những ngày đầu năm học mới.

CSGT huyện Ngọc Hồi kiểm tra an toàn giao thông tại thôn 5, thị trấn Plei Kần. Ảnh: T.V.P

 

Các lực lượng chức năng của Công an tỉnh tăng cường các hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Đồng thời đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông, tổ chức kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông, cản trở, chống người thi hành công vụ, tụ tập đua xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, họp chợ…

Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn phần lớn là do ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, không chấp hành nghiêm pháp luật an toàn giao thông như lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia say, chở quá tải, chạy quá tốc độ… trong thời gian qua vẫn còn xảy ra phổ biến và rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó là hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân…dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, trong thời điểm này, Công an tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông và ngành giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giao thông; hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông, hình ảnh đẹp, gương người tốt, việc tốt của những tổ chức, cá nhân có các đóng góp tích cực trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

Vì vậy, ngoài việc phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về pháp luật trật tự an toàn giao thông, cần phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông cho mọi người dân là yêu cầu đặt ra hàng đầu. Vấn đề này đòi hỏi các cơ quan chức năng khi tham gia vào công tác truyền thông, làm cho mọi người tham gia giao thông đều tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, theo một thói quen khi điều khiển phương tiện giao thông phải biết “phía sau tay lái là người thân và gia đình”. Có như vậy, thì những nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông mới có khả năng trở thành hiện thực.

Cứ tháng 9 về, tháng cao điểm tuyên truyền chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông, cùng với chủ đề tháng cao điểm là bức thông điệp nhắc nhở mỗi người dân, học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

 Mỗi một học sinh, sinh viên, người dân khi tham gia giao thông đòi hỏi phải nâng cao ý thức chấp hành đúng các quy định, khoảng cách về an toàn giao thông, không sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông, đi đúng tốc độ quy định, không lạng lách, đánh võng; bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện; nghiêm túc chấp hành mọi hiệu lệnh của người điều khiển giao thông tại các điểm, nút, ngã tư giao thông; thực hiện các quy định đảm bảo an toàn trong vận tải hành khách bằng ô tô, xe đưa đón học sinh…

Tính mạng con người là quý nhất. Tai nạn giao thông chính là nỗi đau lớn nhất, mất mát lớn nhất cho mọi người, mọi nhà. Tháng 9 về, mọi người dân tham gia giao thông hãy ghi nhớ: khi ra đường cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về pháp luật trật tự an toàn giao thông. Đây cũng chính là bức thông điệp an toàn gửi đến tất cả mọi người dân khi tham gia giao thông.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 1 vụ đặc biệt nghiêm trọng, 3 vụ rất nghiêm trọng, 36 vụ nghiêm trọng và 1 vụ ít nghiêm trọng, làm 55 người chết, 65 người bị thương. So cùng kỳ năm 2019 tăng 12 vụ (30,77%), tăng 13 người chết (30,95%), tăng 44 người bị thương (209%). Lực lượng chức năng Công an tỉnh cũng đã phát hiện 13.920 trường hợp vi phạm về TTATGT, tiến hành tạm giữ 4.648 phương tiện, 6.691 giấy tờ các loại, phạt tại chỗ 2.581 trường hợp, tổng số tiền xử phạt hành chính lên tới gần 10 tỷ đồng.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác