Bữa cơm gia đình và những cơn sóng trái chiều

27/11/2017 07:00

“Trời đánh tránh miếng ăn” – cha ông ta từ xưa đã nói vậy. Nhưng thực tế, có bao nhiêu bữa ăn qua quýt, bao nhiêu cơn sóng trái chiều, bao nhiêu đổ vỡ… xảy ra trong mỗi bữa cơm gia đình khiến con trẻ ám ảnh. Không ít người đã thốt lên rằng, những tưởng bữa cơm gia đình vốn chỉ no cái bụng, không ngờ cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự gia tăng của các vụ bạo lực gia đình trong những năm gần đây.

Vì sao lại vậy? 

Hạnh phúc là sự sẻ chia. Hạnh phúc gia đình được nuôi dưỡng trên nền tảng trách nhiệm và sự chia sẻ trách nhiệm ấy. Và, bữa cơm gia đình chính là thời khắc mà mỗi thành viên trong gia đình được sẻ chia, sum vầy, được nếm trải niềm hạnh phúc gia đình rõ ràng nhất.

Và không chỉ no cái bụng, bữa cơm gia đình chính là dịp để giáo dục, dạy dỗ con cái phép tắc. Từ những bữa cơm gia đình ấy, con cái được nhắc nhở hiểu lễ nghĩa từ “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; hiểu sự đời “tham bát bỏ mâm”; cùng hiểu những khó nhọc của thành quả lao động “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”; cùng nhận ra những đắng cay, đổ vỡ nếu “ông ăn chả, bà ăn nem”…

Nhưng, cuộc sống hiện đại, mỗi người dường như sống vội, không ít thành viên trong gia đình ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối mịt mới về tận nhà. Cha mẹ bận rộn với mưu sinh, với công việc, với những chuyến công tác. Sau công việc là những khoảng trời riêng, những cuộc tiệc tùng, tiếp khách kéo dài. Con cái thì hết giờ học chính khóa lại cuống cuồng với những lớp học thêm. Vậy là, tiện đâu ăn đó, chẳng phải cơm hàng, cháo chợ có khắp hang cùng ngõ hẻm hay sao. Những bữa ăn vội vàng, qua quýt diễn ra, lúc thiếu vắng thành viên này, lúc thiếu vắng thành viên kia. Không ít người vợ, người mẹ đã thở dài ngao ngán trước mâm cơm nguội ngắt, đợi chờ chồng, đợi chờ các con cùng ăn bữa ăn sum họp.

Đã thế, điện thoại thông minh, ti vi, máy tính… chen vào đời sống gia đình, ngay trong cả bữa ăn, dù đủ đầy con cái, vợ chồng đó nhưng vẫn thiếu đi sự sum vầy. Đối thoại giữa các thành viên trong gia đình, ngay cả trong bữa ăn, đã trở thành chuyện xa xỉ. Bữa cơm gia đình cũng vì thế nhanh chóng trôi qua, rồi mỗi người cứ thế mà theo đuổi theo những suy nghĩ, sở thích của riêng mình.

Vậy là, chỉ cần chực chờ đông đủ, chực chờ có dịp, những bữa cơm của không ít gia đình chính là lúc những cơn sóng trái chiều trỗi dậy.  Những lúc ấy, chồng trách vợ sao món này mặn quá, món kia kém ngon; vợ chì chiết lại, nào là ít tiền, nào là không được giúp đỡ… lấy đâu mà ngon. Lời qua, tiếng lại, bao nhiêu bực dọc, bao nhiêu khó chịu, bao nhiêu lo âu… đổ cả vào bữa cơm. Có khi cơn giận không nén nổi, chén xô đũa lệch, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay cứ thế mà diễn ra…  Bữa cơm gia đình những tưởng để sum họp, để thêm yêu thương nhưng ngờ đâu lại trở nên ngột ngạt, đắng chát với những trận bạo lực gia đình.

Thiếu vắng đi cảnh cả nhà rộn rã chuẩn bị cho những bữa cơm, thiếu vắng đi những bữa cơm dẫu chưa phải là cao lương mỹ vị nhưng ấm áp tình thương… nên ít đi sự gần gũi, ít đi sự thấu hiểu, sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình cũng trở nên lỏng lẻo. Những cơn sóng trái chiều cứ thế mà trỗi dậy.Vợ chồng nghi ngờ lẫn nhau; cha mẹ thiếu đi sự kiểm soát con cái… Chức năng giáo dục và tình cảm trong thiết chế gia đình bị suy giảm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình ngày một gia tăng.

Nhịp sống hiện đại, thật khó để duy trì những bữa cơm có đông đủ thành viên. Tuy nhiên, nếu biết hướng tình cảm về tổ ấm, thì bằng cách này hay cách khác, dù ít, dù nhiều, mỗi người sẽ cố gắng thu xếp được những bữa cơm gia đình ấm áp. Xin đừng nghĩ đó là sự ràng buộc mà là văn hóa, là sự kế thừa truyền thống. Bởi, có thể lắm chứ, những áp lực cuộc sống sẽ được đẩy lùi; những cơn sóng trái chiều, những vụ bạo lực gia đình sẽ được giảm thiểu từ chính những bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương ấy. 

Bình Toàn

Chuyên mục khác