Bỏ điểm sàn chung đầu vào đại học, cao đẳng: Những vấn đề đặt ra về chất lượng tuyển sinh

27/06/2018 13:02

Bắt đầu từ năm 2018, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, các trường (ngoại trừ các ngành đào tạo giáo viên) sẽ không áp dụng điểm sàn. Việc bỏ điểm sàn đồng nghĩa tạo điều kiện tuyển sinh cho “các trường top dưới”, gia tăng cơ hội đậu đại học cho các thí sinh. Chính điều này đã tạo ra không ít băn khoăn, lo lắng của xã hội về chất lượng đào tạo, về cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường...

Từ ngày 25-27/6, cùng với hơn 925.000 thí sinh trong cả nước,  4.474 thí sinh của tỉnh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng nhất là kỳ thi THPT Quốc gia. Trong đó, có 1.023 thí sinh dự thi lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp; có hơn 3.150 thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên; 298 thí sinh tự do thi để lấy kết quả chỉ xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên. Một thời gian ngắn sau kỳ thi này, các em học sinh sẽ có điểm để xét công nhận tốt nghiệp và lấy kết quả đăng ký tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng.

Thực tế chứng minh, trong những năm gần đây, với một số điều chỉnh hợp lý trong việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm kỳ thi này không chỉ ngày càng nhẹ nhàng với phụ huynh, học sinh mà còn bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn; việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn cho thí sinh.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có những điều chỉnh trong công tác xét tuyển đại học, cao đẳng; trong đó, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là việc bỏ mức điểm sàn chung đầu vào. Và, từ năm nay, các trường đại học, cao đẳng được tự xác định điểm sàn, tự chịu trách nhiệm về những quyết định trong tuyển sinh của mình (ngoại trừ các ngành đào tạo giáo viên).

Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đặt ra quy định giới hạn mức điểm sàn chung theo từng khối thi để các trường lấy làm căn cứ trong công tác tuyển sinh. Tuỳ thực tế kết quả thi THPT Quốc gia mỗi năm mà Bộ đưa ra mức điểm sàn khác nhau. Và, yêu cầu bắt buộc là các trường không được tuyển sinh dưới mức điểm sàn nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào của sinh viên.

Năm nay, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định bỏ mức điểm sàn chung sẽ giúp gia tăng cơ hội đậu đại học cho thí sinh, nhưng cũng đặt ra không ít băn khoăn khi việc vào đại học trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Về mặt lý thuyết, việc bỏ điểm sàn đầu vào là “quy định mở” giúp các trường chủ động hơn trong việc tuyển đầu vào, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện nay.

Với những “trường top trên”, việc có quy định điểm sàn hay không cũng không quan trọng, bởi điểm tuyển sinh của họ luôn ở “ngưỡng” khá cao và các thí sinh phải cạnh tranh khốc liệt mới có được suất trúng tuyển vào trường.

Nhưng, với các “trường top dưới”, thực tế nhiều năm qua cho thấy, nhiều trường luôn phải chật vật để tuyển đủ số lượng theo chỉ tiêu đề ra, hay nói đúng hơn tìm đủ cách để mời gọi sinh viên đến học. Như vậy, một khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quy định bỏ giới hạn điểm sàn, giao cho các trường được tự chủ thì chẳng khác gì “tháo khoán”; lúc này các trường tranh thủ tuyển sinh ồ ạt và cơ hội đậu đại học cho thí sinh là vô cùng rộng mở. Nhiều trường còn tổ chức tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ càng khiến cho việc vào đại học trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Trong khi xã hội ta hiện nay, đa phần người ta vẫn thích chạy theo trào lưu học đại học. Nhiều bậc cha mẹ, nhiều học sinh vẫn có tư tưởng, nhất định phải học đại học. Cha mẹ bắt con cái phải học đại học để được “nở mày nở mặt” với hàng xóm, láng giềng; học sinh cũng có tâm lý sĩ diện là nhất định phải vào đại học, vì không chịu thua bạn kém bè.

Bên cạnh cơ hội vào đại học sẽ mở rộng cho tất cả thí sinh, thì kéo theo đó là nỗi lo của xã hội về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm… Đây chính là những điều không thể xem nhẹ. Bởi, đào tạo mà không sử dụng thì chẳng những lãng phí lớn về tiền của và nguồn lực xã hội mà còn kéo theo đó nhiều hệ lụy xã hội khôn lường từ chính đội ngũ sinh viên ra trường không có việc làm. Họ sẽ có tâm lý bất mãn, mất niềm tin xã hội, thậm chí là tụ tập phá phách và bị các phần tử xấu, các thế lực thù địch lôi kéo, xúi giục làm những điều vi phạm pháp luật.

Theo thống kê của ngành chức năng, hằng năm có đến 98% số thí sinh đỗ tốt nghiệp và với việc bỏ điểm sàn chung thì tất cả thí sinh tốt nghiệp THPT đều có thể vào hết đại học miễn là có tiền để trang trải cho các chi phí học tập.

Và, khi “con đường vào đại học được thả cửa” sẽ dẫn đến việc đua nhau học đại học một cách tràn lan. Sau khi học xong, nhà trường cấp bằng tốt nghiệp coi như đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo; còn xin việc ở đâu, làm gì thì sinh viên, gia đình tự lo.

Và thế là, sau 4 năm học đại học, nhiều sinh viên ra trường nhưng không có việc làm, thất nghiệp gây lãng phí thời gian, tiền bạc của gia đình và xã hội.

Tại tỉnh ta, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, luôn có rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đề đạt các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện tuyển dụng con em mình là sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng.

Mong muốn trên của người dân là hoàn toàn chính đáng. Nhưng trước việc “cánh cổng” trường đại học  được “mở toang” như hiện nay, thí sinh ào ào vào học, sinh viên ra trường ồ ạt thì “bài toán” việc làm cho sinh viên ra trường sẽ không bao giờ có lời giải thỏa đáng ...

Mở rộng cơ hội học tập cho mọi người là điều tất yếu trong xu thế phát triển, nhưng để đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường cần phải thắt chặt hơn việc cho sinh viên tốt nghiệp. Các cơ quan quản lý phải siết chặt hơn công tác kiểm định chất lượng đầu ra của các trường, đặc biệt là với các trường ngoài công lập để khi sinh viên ra trường có thể đáp ứng yêu cầu công việc.

Bên cạnh đó, các gia đình cũng cần có sự định hướng nghề nghiệp  cho con em một cách phù hợp, tránh chạy theo trào lưu học đại học gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức...

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác