Bình tĩnh, đoàn kết để chiến thắng dịch bệnh Covid-19

06/04/2020 06:19

Từ 0h ngày 1/4/2020, cả nước thực hiện cách ly xã hội 15 ngày theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây được coi là “thời điểm vàng” quyết định sự thành công của “cuộc chiến” chống dịch bệnh Covid-19, vì vậy đòi hỏi mỗi người dân cần tự giác, trách nhiệm, bình tĩnh và đoàn kết để cùng cả nước chiến thắng đại dịch.

Sáng 1/4, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trên quy mô toàn quốc. Cũng từ 0h ngày 1/4, việc thực hiện cách ly xã hội 15 ngày được áp dụng theo Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19”.

“Cách ly xã hội” là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày vừa qua, khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở trong nước đang trở nên ngày một phức tạp hơn với số ca nhiễm tăng nhanh vào những ngày cuối tháng 3. Do đó, để chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 thì điều quan trọng nhất là phải hạn chế tiếp xúc, duy trì khoảng cách giữa các cá nhân trong cộng đồng, và cách ly xã hội chính là biện pháp mang tính quyết định để bảo vệ an toàn sức khỏe cho mỗi người dân và của cả cộng đồng.

Toàn xã hội đã phản ứng rất trách nhiệm, nhanh chóng trước quyết định này của Chính phủ. Hầu hết người dân đều tự giác tuân thủ nghiêm túc quy định ở nhà nhiều nhất có thể, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết; các hàng quán, dịch vụ không cần thiết đều đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh...

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận nhân dân do chưa hiểu đúng, có sự nhận thức nhầm lẫn, thậm chí nghe thông tin thất thiệt mà có những hành động thiếu tỉnh táo, mất bình tĩnh gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đo thân nhiệt cho hành khách đi qua Chốt kiểm tra y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Trạm kiểm soát Sao Mai. Ảnh: Đức Thành

 

Đó là một bộ phận người dân khi vừa nhận thông tin “cách ly xã hội” 15 ngày đã ào ào kéo tới các siêu thị, đổ xô ra chợ hay đến các cửa hàng, chen lấn mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để dự trữ. Việc làm này dẫn đến những xáo trộn, bất ổn không đáng có trong hoạt động xã hội, tạo cơ hội cho một số đối tượng làm ăn bất chính lợi dụng cơ hội tăng giá bất hợp lý và làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm và lây nhiễm bệnh. Một số người dân từ các tỉnh, thành có bệnh nhân mắc Covid -19 cũng đua nhau chạy ra các bến xe để mua vé về quê “tránh dịch” bất chấp khuyến cáo hạn chế đến nơi đông người của Chính phủ, của ngành Y tế. Đây là những hành động, việc làm rất không an toàn, vì tiềm ẩn nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và làm cho những nỗ lực kiểm soát, khống chế dịch bệnh của các cấp, các ngành trở nên khó khăn, thậm chí làm “đổ sông đổ bể” tất cả những thành quả mà cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện trong suốt mấy tháng qua, nếu như không kịp thời tuyên truyền vận động, nhắc nhở.

Không phải đến giờ mới có hiện tượng này, mà kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước ta, trước nhiều thông tin thất thiệt, thông tin chưa được kiểm chứng, một bộ phận người dân đã có những hành động hoang mang, lo lắng thái quá, gây ra những bất ổn trong xã hội. Vì vậy, để ứng phó với dịch bệnh hơn lúc nào hết, người dân cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để hiểu đúng về các biện pháp của Chính phủ cũng như của tỉnh và có những ứng xử, hành động phù hợp để góp phần làm nên thành công của “cuộc chiến” chống Covid-19 này.

Xin nhắc lại rằng, cách ly xã hội không có nghĩa là đóng băng mọi hoạt động xã hội; “không phải là cấm giao thông, không phải ngăn sông cấm chợ, chưa phải phong tỏa xã hội” (Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra) mà chính là tạo ra “giãn cách xã hội” cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng một cách có hiệu quả.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà, trường hợp cần thiết vẫn hoạt động ở công sở. Chợ, siêu thị, các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Người dân vẫn mua bán bình thường, không cần thiết phải tích trữ hàng hóa. Điều quan trọng chỉ là hạn chế việc di chuyển, tiếp xúc với nhiều người và phải giữ khoảng cách an toàn.

Và, tất cả những điều này đều dựa trên tinh thần tự giác, tự nguyện của người dân, thể hiện thái độ sống và ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng xã hội trong thời điểm quan trọng này.

Thông điệp trên được Thủ tướng Chính phủ nhắn nhủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 27/3/2020 về “Quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19”.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị nhân dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Trước mắt thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.

Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng ta đang ở vào thời điểm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng lớn, toàn hệ thống chính trị phải tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; không quá hốt hoảng nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng; phải nắm chắc tình hình, dự báo khả năng xấu nhất, kịp thời đề ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn bằng được sự lan rộng lây nhiễm. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện các công việc phòng, chống dịch; ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức cho công việc hệ trọng này”.

Vẫn biết rằng, một số biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch bệnh ít nhiều sẽ hưởng đến cuộc sống của một số người dân. Thế nhưng, với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết nên Chính phủ cần đề ra những biện pháp quyết liệt, triệt để.

Thực tế chứng minh, phương châm nhất quán trong ứng phó với dịch là khẩn trương, kiên quyết, nhưng bình tĩnh, đúng mức, không chủ quan từ Trung ương đến địa phương đã gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua. Vì vậy, trong “thời điểm vàng” này, mỗi hành động, sự tự giác chấp hành các quy định của Chính phủ, các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương của mỗi người sẽ góp phần quan trọng quyết định thành công hay thất bại trong cuộc chiến chống đại dịch.

 “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 ở nước ta đang bước vào giai đoạn cam go và quyết liệt thử thách tất cả mọi người. Trong bối cảnh này sự bình tĩnh, tự tin, quan trọng nhất là tự trang bị kiến thức và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn chuyên môn, như vậy là mỗi chúng ta đã góp sức để chiến thắng dịch bệnh.

Thùy Hương

Chuyên mục khác