Bình đẳng giới không chỉ trên luật định

06/03/2017 08:23

“Người ta vẫn nói phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng phải không chị?” – một nữ đồng nghiệp trẻ đã hỏi tôi như vậy. Suy nghĩ đó hẳn không riêng từ nữ đồng nghiệp ấy mà còn của rất nhiều phụ nữ và của cả nhiều người đàn ông khác nữa.

Nói như vậy để thấy dường như trong xã hội hiện nay vẫn còn mặc định suy nghĩ, người chồng hay nói một cách rộng hơn là người đàn ông luôn có sức ảnh hưởng và mang tính quyết định đến cuộc đời, số phận của người vợ (người phụ nữ).

Phải chăng người phụ nữ không thể tự mình chủ động quyết định hạnh phúc của chính bản thân mình? Phải chăng phụ nữ luôn luôn là người phụ thuộc và phải là người phụ thuộc vào nam giới? Hay chính người phụ nữ không tự vượt qua được rào cản định kiến giới: nam độc lập, mạnh mẽ, có năng lực và ra quyết định tốt hơn; còn nữ giới chỉ gắn với việc sinh đẻ, chăm sóc con cái, gia đình, ít có thời gian cho công việc và năng lực kém hơn nam giới?

Trói buộc vào suy nghĩ “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng” hay “phụ nữ sướng hay khổ phải đợi đến lúc lấy chồng mới biết” đã khiến cho nhiều phụ nữ gặp khó khăn. Từ nhỏ phụ thuộc vào cha mẹ, lớn lên phụ thuộc vào chồng khiến họ không có cơ hội lựa chọn hạnh phúc. Không ít phụ nữ lặng lẽ gạt bỏ những ước mơ, khát vọng, sống phụ thuộc vào người chồng.

Và không dừng lại ở suy nghĩ “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”, vì những định kiến giới nên trong cuộc sống, trong quá trình công tác, chị em phụ nữ lắm lúc chưa thể hiện hết năng lực, vẫn tư tưởng an phận, ngại học tập và khi cần đưa ra chính kiến, quyết định trong công việc lại hay tránh né.

Từ chuyện trong nhà ra ngõ, mỗi khi có “công to việc lớn”, chị em vẫn trông chờ các quyết định từ phía nam giới và luôn tuân thủ theo các quyết định ấy. Lâu ngày thành quen, không ít nam giới nảy sinh tư tưởng gia trưởng, khoán trắng công việc gia đình và chăm sóc con cái cho nữ giới; nữ giới thì mặc nhiên đó là việc mình nên làm và phải làm.

Vậy là trong cuộc sống hàng ngày, bất bình đẳng giới từ những điều nho nhỏ vẫn diễn ra. Trong khi bao nhiêu chị mệt mỏi, lo âu sau một ngày tất tả mưu sinh, lại vội vàng về lo cho con cái, cho bữa cơm gia đình… thì cánh đàn ông với trăm ngàn lý, hàng nghìn duyên cớ vẫn ngồi trong quán nhậu mà quên đi sự vất vả, đợi chờ của người phụ nữ. Trong khi có những  chị dù đang bị bệnh ốm nặng vẫn phải tay ẵm con, tay chuẩn bị cơm nước thì đức ông chồng ung dung ngồi uống cà phê. Và cũng có không ít những chị ngày nào cũng phải chịu một trận “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” từ người chồng của mình…

Những bất bình đẳng giới nho nhỏ ấy mỗi ngày “bén rễ” mỗi ít dần dà mặc định thành nếp nghĩ, cách làm của cả xã hội. Chị em cứ thế mặc nhiên  cho rằng, phụ nữ phải thế, phụ nữ phải nhẫn nhịn, phụ nữ phải hy sinh, phụ nữ phải làm những công việc giản đơn, phụ nữ không thể đảm nhận các vị trí cao…

Theo khảo sát của nhóm chuyên gia thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong giai đoạn 2004-2014, tỷ lệ lao động nữ tham gia thị trường lao động vẫn thấp hơn nam giới. Lao động nữ thường tập trung ở nghề không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật, thường là những nghề giản đơn (chiếm 43,7%), dịch vụ cá nhân và bán hàng chiếm 20,1% và nghề nông lâm ngư nghiệp chiếm 14,1%. Lao động nữ làm các công việc gia đình, không hưởng lương chiếm tới 22,6%, gần gấp đôi tỷ lệ 12% của nam. Và những nghề có vị trí cao cũng không bao giờ dành riêng cho lao động nữ…

Nói như vậy để thấy bình đẳng giới có lẽ không chỉ thực hiện trong luật định mà còn phải ngay từ nhận thức của mỗi người, trong đó phải chính ngay từ người phụ nữ. Thay vào việc cứ cầu mong gặp một người đàn ông tử tế, mang lại hạnh phúc cho mình thì tại sao người phụ nữ không chủ động quyết định hạnh phúc của chính mình? Thay vào việc cầu mong vào may rủi, tại sao người phụ nữ lại không ngừng nỗ lực học tập, nỗ lực khẳng định, nỗ lực làm chủ bản thân, đảm bảo tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang - 4 phẩm chất đạo đức cốt lõi phụ nữ Việt Nam cần phấn đấu rèn luyện trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước?

Rút ngắn và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về giới đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm thể hiện rõ trong Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Lao động và một số công ước quốc tế mà Việt Nam phê chuẩn. Nhưng, bình đẳng giới sẽ khó được thực hiện nếu những khuôn mẫu mang định kiến về giới vẫn còn tồn tại từ chính những người phụ nữ. Bình đẳng giới vì thế cần được thực hiện không chỉ trên những quy định của luật mà còn từ sự thay đổi nhận thức để có những thay đổi trong hành động ngay từ chính những người phụ nữ.

Bình Toàn

Chuyên mục khác