Bảo tồn và giữ gìn các giá trị lịch sử cách mạng

27/05/2024 06:05

Di tích lịch sử cách mạng có vai trò quan trọng trong giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Trong nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng và địa điểm ghi dấu những sự kiện lịch sử cách mạng.

Bảo tồn, phát huy và giữ gìn các di tích lịch sử là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng từ lâu đã được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Đặc biệt là việc bảo tồn và giữ gìn các giá trị di tích lịch sử cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương chú trọng. Bởi di tích lịch sử cách mạng không chỉ là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt, tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của nhiều thế hệ chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, mà còn là bài học lịch sử quý giá, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang làm việc với các địa phương về triển khai thực hiện Dự án Tôn tạo, phục dựng, sửa chữa, xây dựng Di tích lịch sử cách mạng. Ảnh: D.Đ.N

 

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Kon Tum ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nên hầu hết trên các địa phương trong tỉnh đều có những di tích lịch sử cách mạng gắn liền với truyền thống cách mạng hào hùng được xếp hạng như: Di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei, Di tích lịch sử danh thắng Măng Đen (Kon Plông), Di tích lịch sử Đăk Tô-Tân Cảnh, Di tích chiến thắng Plei Kần (huyện Ngọc Hồi); Di tích điểm cao 1015, 1049 (huyện Đăk Tô); Di tích khu căn cứ Tỉnh ủy (huyện Tu Mơ Rông); Đài tưởng niệm Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy). Đây cũng chính là những điểm đến hấp dẫn đối với du khách muốn tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên, về truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum.

Xác định việc tôn tạo, bảo tồn và giữ gìn các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều đề án, chương trình để tôn tạo, phục dựng và bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng. Đây cũng chính là sự quan tâm hết sức sâu sắc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc phát huy, bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và di tích lịch sử cách mạng nói riêng.

Đặc biệt, sự quan tâm đó được thể hiện ở những công việc cụ thể gần đây nhất như việc tôn tạo, phục dựng, sửa chữa, xây dựng Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum (huyện Tu Mơ Rông); dự án Đường giao thông từ Tỉnh lộ 674, xã Sa Sơn đi Đài tưởng niệm Chư Tan Kra và sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy).

Và cũng mới đây nhất, ngày 21/5, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã trực tiếp làm việc với UBND hai huyện Tu Mơ Rông và Sa Thầy cùng các sở, ngành liên quan để kiểm tra tiến độ thực hiện hai dự án thuộc di tích lịch sử cách mạng nói trên.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang trên đường đến kiểm tra công tác tôn tạo Khu căn cứ cách mạng Tỉnh ủy vào cuối năm 2021. Ảnh: DĐN

 

Dự án Đường giao thông từ Tỉnh lộ 674, xã Sa Sơn đi Đài tưởng niệm Chư Tan Kra và sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm Chư Tan Kra được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 54/NQ-HĐND ngày 1/11/2023, đồng thời được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 656/QĐ-UBND ngày 27/12/2023 với tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào cuối tháng 5/2024, hoàn thành vào tháng 10/2025.

Dự án tôn tạo, phục dựng, sửa chữa, xây dựng Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 694/QĐ-UBND ngày 14/11/2022, với tổng mức đầu tư là 18,036 tỷ đồng, được thi công từ ngày 9/8/2023 đến nay, Dự án tôn tạo, phục dựng, sửa chữa, xây dựng Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum đã giải ngân được trên 56% vốn giao, tương đương trên 8,7 tỷ đồng. Trong đó đã cơ bản hoàn thành 10 hạng mục theo hồ sơ thiết kế; hiện đang tiếp tục triển khai các phần việc, hạng mục bổ sung. UBND huyện Tu Mơ Rông cũng đề nghị xin chủ trương nâng cấp Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum thành di tích cấp quốc gia.

Tại buổi làm việc vào chiều 21/5, đối với Dự án tôn tạo, phục dựng, sửa chữa, xây dựng Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu huyện Tu Mơ Rông và các sở ngành, liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các phần việc còn lại; đồng thời phải xác định rõ mục đích, ý nghĩa các hạng mục, tiếp tục hoàn chỉnh các hạng mục; chú trọng sưu tầm, trưng bày các vật dụng sinh hoạt, trang phục, thiết bị, máy móc một cách chi tiết nhất trong các hạng mục nhà sinh hoạt, làm việc, nhà cơ yếu, để tái hiện chân thực nhất; nghiên cứu, huy động, bố trí lực lượng dân quân làm nhiệm vụ túc trực, giữ gìn, bảo vệ, đồng thời trả kinh phí theo quy định; đề nghị huyện Tu Mơ Rông nghiên cứu, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ văn hóa làm nhiệm vụ thuyết minh khi có đoàn hoặc du khách đến tham quan. Đồng thời giao cho Đoàn thanh niên xây dựng kế hoạch trồng cây, triển khai đến các cơ sở đoàn, ít nhất mỗi tháng một lần tổ chức các hoạt động cắm trại, về nguồn, trồng cây, chăm sóc cây cối, hoa, tổng vệ sinh trong khuôn viên, đảm bảo càng ngày càng gọn, sạch, đẹp; tuyên truyền các trường THCS, THPT tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan, học lịch sử tại khu di tích để góp phần trong giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng của tỉnh nhà cho thế hệ trẻ.

Đối với Dự án Đường giao thông từ Tỉnh lộ 674, xã Sa Sơn đi Đài tưởng niệm Chư Tan Kra và sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm Chư Tan Kra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị huyện Sa Thầy hoàn thiện hạng mục sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm Chư Tan Kra trước ngày 27/7/2024; tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện các hạng mục còn lại.

Di tích lịch sử cách mạng là minh chứng về niềm tin, lý tưởng, ý chí, nghị lực và ghi dấu chiến công của các chiến sĩ cách mạng trung kiên, của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã hiến dâng cuộc đời mình cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Bởi vậy, bảo tồn và gìn giữ các giá trị của di tích lịch sử cách mạng được ví như bảo tồn và giữ gìn một “địa chỉ đỏ”, để rồi có sức lan tỏa, nhân lên niềm tự hào đối với mỗi người; noi gương những thế hệ cha anh đi trước để rồi đóng góp sức lực và trí tuệ trong lao động, học tập, dựng xây đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh, phát triển.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác