Băn khoăn những con số

13/03/2017 08:37

​Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở tỉnh Kon Tum đã lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều số liệu về kết quả thực hiện phong trào khiến người đọc cảm thấy băn khoăn…

Được triển khai thực hiện từ năm 2000, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Ban chỉ đạo tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm. 100% huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo và đi vào hoạt động có nề nếp.

Theo báo cáo đánh giá 15 năm thực hiện phong trào, đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua ở địa bàn dân cư mang lại hiệu quả thiết thực như: phong trào “xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực tham gia công tác, góp phần xây dựng thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa”; phong trào “nông dân sản xuất giỏi, xây dựng gia đình văn hóa và giúp đỡ tương trợ cộng đồng”; phong trào “quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc”… Đặc biệt, tinh thần tương thân, tương ái được dấy lên mạnh mẽ. Trong những năm qua, đã vận động được 74 tỷ đồng cho “Quỹ vì người nghèo”, qua đó hỗ trợ xây dựng gần 3.000 căn nhà đại đoàn kết, đồng thời lồng ghép với Nghị quyết 30a và Quyết định 167 của Chính phủ hỗ trợ xây dựng gần 300 căn nhà cho người nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, đến cuối năm 2016, đã có 06 huyện, thành phố xây dựng được nhà văn hóa cấp huyện, 785/869 khu dân cư có nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, nhà rông. Việc cưới, việc tang ngày càng được tổ chức gọn nhẹ, trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với tập quán của điạ phương và truyền thống của dân tộc. Nhiều nghi lễ, lễ hội dân gian tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức phục dựng lại ở cộng đồng, vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa phát huy được giá trị các di sản vật thể. Các phong trào văn hóa, văn nghệ tại các địa phương có bước phát triển mạnh mẽ, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia, tạo sân chơi văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư. …

Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự đi vào đời sống, trở thành một phong trào thi đua yêu nước rộng lớn và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, có những số liệu khiến chúng ta không khỏi băn khoăn về tính thực chất của nó.

Thứ nhất, trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa, theo số liệu tổng hợp trong báo cáo năm 2016 của Ban chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh, toàn tỉnh có 84.986/120.105 hộ gia đình được xét công nhận gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 71%; 583/869 khu dân cư văn hóa, chiếm tỷ lệ trung bình 67% (trong đó có những huyện đạt tỷ lệ cao như: Đăk Tô 86% gia đình văn hóa, 87% khu dân cư văn hóa; Tu Mơ Rông 80% gia đình văn hóa, 74% khu dân cư văn hóa)... Con số này liệu có phản ánh đúng thực chất không khi chính những người trong cuộc cũng nhận thấy, việc đánh giá, xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức, đối phó, thậm chí là áp đặt, chủ quan. Việc phân loại, bình xét ở nhiều nơi không dựa vào tiêu chí của cấp trên mà chỉ xét chung chung, cào bằng, nặng về thành tích. Vì thế, có những nơi, tỷ lệ hộ nghèo cao đến 80-90%, vệ sinh môi trường kém, sinh nhiều con là phổ biến, người dân không muốn thoát nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng còn nhiều hạn chế…nhưng tỷ lệ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa vẫn cao ngất ngưởng. Như vậy số liệu trên đã phản ánh đúng thực chất về chất lượng danh hiệu khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa hay chưa?

Thứ hai, cũng theo báo cáo năm 2016, trong phong trào thể dục, thể thao, số người luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên toàn tỉnh là 129.234 người, trong đó nữ là 49.650 người; số gia đình tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên là 23.653 hộ. Đúng là trong những năm gần đây, số người tham gia tập luyện thể thao ở các địa phương đã tăng lên đáng kể do người dân ngày càng quan tâm hơn đến việc rèn luyện để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, con số nêu trên có tin cậy được không khi trên thực tế chưa có bất cứ cuộc khảo sát, thống kê số liệu nào từ mỗi hộ gia đình. Như vậy, cơ sở nào để có được con số chính xác như trên?

Những băn khoăn trên không phải là không có cơ sở, bởi thực tế lâu nay, bệnh hình thức, chạy theo thành tích vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả thực hiện phong trào, phản ánh đúng chất lượng của danh hiệu, thiết nghĩ ở mỗi địa phương, cơ sở cần điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí sát thực tế, thực hiện nghiêm túc việc bình xét các nội dung thi đua, mạnh dạn kéo con số “ảo” về đúng thực chất hơn.  

Hoàng Thúy

Chuyên mục khác