10 năm xây dựng nông thôn mới: Diện mạo khởi sắc, tư duy thay đổi

30/09/2019 13:17

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đi qua chặng đường 10 năm. 10 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam trong tỉnh đã chú trọng phát huy vai trò lãnh đạo; tạo sự đồng thuận, nhất trí trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân để thực hiện tốt những mục tiêu đề ra. Qua đó, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày thêm khởi sắc, phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Thời gian này, các địa phương trong tỉnh đang lần lượt tổ chức đánh giá hành trình 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM để nhìn nhận lại quá trình triển khai, thực hiện, những việc đã làm được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và bàn bạc những giải pháp, đề ra mục tiêu phấn đấu, những định hướng chung nhằm đạt kết quả tốt trong xây dựng NTM, làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng tích cực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân khu vực nông thôn ngang bằng khu vực thành thị, đúng như định hướng chung của chương trình xây dựng NTM đề ra.

Nhìn một cách tổng thể, sau 10 năm tiến hành xây dựng NTM, các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh có những đổi thay căn bản và toàn diện, diện mạo khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhận thức về nông thôn mới được tăng cường; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Đến nay, toàn tỉnh đã có 18/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 41 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, bình quân đạt 11,62 tiêu chí/xã, tăng 2,92 tiêu chí so với năm 2015.

Những năm qua, với nhiều chính sách đầu tư của Trung ương, tỉnh, cùng với nỗ lực của người dân, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 3-4%, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 17,29%. Toàn tỉnh có 71% khu dân cư được công nhận “Khu dân cư văn hóa”, 77% hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”. ..

Không chỉ thể hiện bằng con số cụ thể mà từ việc thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh, nhất là triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn phát triển theo chuỗi liên kết, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu như mô hình chế phẩm sinh học trong sản xuất cà phê vối; sản xuất cà phê sạch; sản xuất rau an toàn; vùng trồng dược liệu sâm Ngọc Linh, hồng đảng sâm dưới tán rừng… Đây là điểm nhấn tạo đột phá trong sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, đưa các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng đi lên.

Cùng với kinh tế, chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Môi trường nông thôn có chuyển biến đáng kể, nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh sạch đẹp…

Diện mạo nông thôn ở xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) nay đã khởi sắc. Ảnh: ĐT

Nhưng, điều đặc biệt hơn có lẽ không phải là sự đong đếm bằng những tiêu chí rạch ròi, mà chính là những cái gật đầu hài lòng của người dân khi hỏi về hiệu quả của việc xây dựng NTM ở mỗi làng, mỗi xã; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nhân lên thấy rõ. Đây mới chính là thành tựu và mục tiêu lớn nhất của quá trình xây dựng NTM  mới mà tỉnh ta đang làm được.

Những kết quả này không phải đến từ sự ngẫu nhiên, mà đó chính là quyết tâm hành động, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong suốt những năm qua.

Có thể thấy rõ, ngay từ khi khởi động chương trình, các cấp, các ngành của tỉnh đều xác định xây dựng NTM có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Vì thế, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hàng năm, giai đoạn trên cơ sở các nghị quyết và chương trình hành động của Tỉnh ủy về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tỉnh và các địa phương đã chọn những xã điểm để tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó, rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các địa phương khác.

MTTQ Việt Nam các cấp chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể, huy động tối đa nội lực của người dân chung tay xây dựng NTM. Từ đó, người dân khu vực nông thôn từng bước nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, tham gia với tinh thần tự giác, trách nhiệm, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua; chủ động góp công, góp của để xây dựng NTM. Ước tính, bình quân hằng năm người dân đóng góp trên 100 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, mở sân vận động...

Người dân không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà tự giác tìm tòi, nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế cho phù hợp với gia đình mình, địa phương mình; tích cực mở rộng sản xuất, chăn nuôi nhằm cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập...

Khách quan nhìn nhận, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM của tỉnh ta vẫn còn những hạn chế và khó khăn nhất định. Bởi, xuất phát điểm của nhiều địa phương ở mức thấp, đa phần người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên việc huy động nhân dân đóng góp để xây dựng NTM bị hạn chế, chính quyền cấp xã ở một số nơi còn ít kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện…Việc phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 là thách thức không nhỏ đối với tỉnh ta, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành và người dân.

 Dù vẫn có những điều chưa trọn vẹn và chưa được như kỳ vọng, nhưng nhìn vào những kết quả đạt được trong tiến trình xây dựng NTM của tỉnh ta 10 năm qua có thể khẳng định đó là minh chứng sinh động, chân thực nhất của “Ý Đảng, lòng dân”. Đây chính là động lực để cấp ủy đảng, chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy, đồng sức đồng lòng thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Thùy Hương

Chuyên mục khác