Tiện ích từ thẻ thấu chi Agribank trên địa bàn nông thôn

31/03/2021 06:00

Việc triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông thôn, với sản phẩm cho vay thấu chi qua thẻ ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) dành cho bà con nông dân không chỉ là sự thấu hiểu, sẻ chia mà còn góp phần đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển.

Tại tỉnh ta, qua hơn 1 năm triển khai đề án này (từ tháng 9/2019 đến nay) Agribank Kon Tum đã phát huy được hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày đối với bà con nông dân trên điạ bàn.

Đề án đẩy mạnh phát triển thẻ tại thị trường nông nghiệp - nông thôn của Agribank cũng là kênh gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn cho ngân hàng này; đồng thời góp phần tăng nguồn thu dịch vụ theo yêu cầu tại chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Đề án còn thực hiện các chính sách hỗ trợ sâu, rộng, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân. Với thủ tục đơn giản, linh hoạt, đã phát huy được vai trò và ý nghĩa kinh tế - xã hội hết sức quan trọng. Quan trọng hơn, đối với xã hội, thẻ thấu chi góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại thị trường nông nghiệp - nông thôn; cấp cho người dân một khoản vốn lên đến 30 triệu đồng, đáp ứng một phần các nhu cầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày, thanh toán các dịch vụ công, thanh toán chi phí sinh hoạt thiết yếu như điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí…giúp lành mạnh hóa thị trường tín dụng nông thôn và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc NHNN. Đây cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 149 của Thủ tướng Chính phủ.

Hướng dẫn bà con nông dân cách sử dụng thẻ. Ảnh: L.S

 

Theo số liệu thống kê, đến nay, Agribank Kon Tum đã triển khai thẻ thấu chi cho gần 500 khách hàng theo Đề án. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei là đơn vị dẫn đầu trong việc mở thẻ, đạt dư nợ cho vay qua thẻ thấu chi là 930 triệu đồng, với hơn 300 khách hàng, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng bức thiết cho bà con nông dân huyện Đăk Glei.

Ông A Đo ở thôn Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pék (huyện Đăk Glei)  phấn khởi cho biết: Trước nay tôi nghĩ thẻ thấu chi chỉ dành cho cán bộ, công chức, chứ ai nghĩ nông dân cũng được cho vay qua thẻ. Năm 2020, tôi được Agribank Chi nhánh Đăk Glei tư vấn, hướng dẫn làm thẻ thấu chi với hạn mức 30 triệu đồng thì một số khó khăn của gia đình trong quá trình sản xuất đã được giải quyết.

Không chỉ người nông dân, mà các đại lý bán vật tư nông nghiệp cũng được thuận lợi trong quá trình kinh doanh. Các đại lý được miễn phí trang bị POS, lắp đặt đường truyền và miễn phí chiết khấu khi chấp nhận thanh toán thẻ có mã sản phẩm thẻ thấu chi nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thảo - chủ cửa hàng vật tư phân bón ở thôn Đăk Xanh, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei cho rằng: Đối với thẻ thấu chi, tôi thấy rất thuận lợi. Thứ nhất, khách hàng thuận tiện về mua bán, nhất là mùa dịch này hạn chế trao đổi tiền mặt, tránh lây lan dịch bệnh. Thứ hai, tránh tiền giả, nhiều lúc chúng tôi mua bán bận rộn, bị cài tiền giả vào, không phát hiện ra. Thứ ba nữa là khi thanh toán, giữa bên mua bên bán cũng rất thuận tiện. Sắp tới đây tôi cũng lắp đặt thiết bị quẹt thẻ, đăng ký tài khoản thấu chi.

Với sự phát triển về các điểm giao dịch và cơ sở hạ tầng của Agribank, người dân dễ dàng tiếp cận vay vốn tại các điểm giao dịch. Người sử dụng thẻ có thể thanh toán tại tất cả các điểm chấp nhận thẻ ATM/POS của Agribank mà không cần mang theo tiền mặt. Ngoài ra, khi sở hữu thẻ thấu chi của Agribank, khách hàng có thể gửi tiền/mở tài khoản tiền gửi trực tuyến tiện lợi, linh hoạt.

Anh Đặng Huy Bình - cán bộ tín dụng của Agribank Kon Tum tư vấn: Khách hàng chỉ cần cư trú hoặc có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn là có thể mang chứng minh nhân dân/thẻ căn cước, sổ hộ khẩu đến bất kỳ điểm giao dịch nào của Agribank đề nghị phát hành thẻ vay tiền này. Dịch vụ cho vay thấu chi qua thẻ của Agribank sẽ giúp khách hàng giải quyết các khoản chi tiêu thiếu hụt tạm thời để thanh toán các chi phí sinh hoạt thiết yếu và các nhu cầu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày, nhất là nhu cầu chi phí vật tư đầu vào hay thu gom nông sản đầu ra vào cuối vụ, hạn chế phải vay nóng từ “tín dụng đen”.

Bà Hà Thị Thanh Hoà - Phó Giám đốc Agribank Kon Tum cho biết: Đề án đã bước đầu phát huy được hiệu quả với lợi thế rõ rệt về chính sách hỗ trợ sâu, rộng, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, thủ tục đơn giản, linh hoạt. Thời gian tới, Agribank Kon Tum sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát hành thẻ, đồng thời tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán thẻ POS để đáp ứng nhu cầu và tiện lợi cho khách hàng. Đồng thời, Agribank Kon Tum tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng và các chương trình, khoản vay ưu đãi, nhất là dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, với sản phẩm cho vay thấu chi qua thẻ ATM; .thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng, đẩy mạnh việc phát hành thẻ thấu chi. Đồng thời, tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán thẻ POS để đáp ứng nhu cầu và mang lại sự thuận tiện, lợi ích cao nhất cho khách hàng, qua đó, giúp mở rộng thị trường, tăng thị phần thanh toán thẻ của Agribank trong nông nghiệp, nông thôn, thu hút nguồn tiền gửi không kỳ hạn. Qua đó, góp phần cùng với các cấp, ngành thực hiện có hiệu quả Công văn số 770, ngày 8/3/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.     

Lê Sang

Chuyên mục khác