11/05/2025 06:39
|
Trước mắt, hầu hết các địa phương đều đề nghị tiếp tục sử dụng đồng thời các trụ sở của cơ quan, đơn vị tại địa phương cũ do cơ sở hạ tầng tại trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh mới chưa thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp. Đây là phương án tạm thời, vừa bảo đảm duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, vừa tạo điều kiện để các địa phương có thêm thời gian đánh giá, quy hoạch lại tổng thể.
Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tổng rà soát, đánh giá hiện trạng các trụ sở, tài sản công trên địa bàn cấp tỉnh và nhu cầu sử dụng để đề xuất phương án xây dựng bổ sung các trụ sở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh trên địa bàn cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu hoạt động và hạn chế lãng phí.
Bên cạnh đó, thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan Trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư; có thể bố trí nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng chung 01 cơ sở nhà, đất để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn.
Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích cộng đồng của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao...).
Ngoài ra, các trụ sở dôi dư có thể bị thu hồi để giao cho các cơ chức năng quản lý đất đai nhà nước của địa phương quản lý, khai thác (quản lý để phục vụ mục tiêu đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất...); giao cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời, cho thuê nhà gắn với đất; giao cho chức năng phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác theo quy định của pháp luật...
Các bộ, cơ quan trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bảo đảm nguồn kinh phí bảo vệ, bảo quản, bàn giao, tiếp nhận, tổ chức xử lý tài sản công đối với tài sản dôi dư sau khi sắp xếp, tránh xuống cấp, thấp thoát, lãng phí tài sản.
Trong đó, quan tâm đến việc kiện toàn, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp đủ điều kiện (đặc biệt là các Tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương) để thực hiện chức năng quản lý, khai thác quỹ nhà, đất là tài sản công dôi dư thông qua quá trình sắp xếp; chỉ đạo việc lập, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phục vụ việc bố trí, sắp xếp, xử lý trụ sở, công trình sự nghiệp là tài sản công; hoàn tất các thủ tục hành chính về đất đai cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị được kế thừa, tiếp nhận trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo phương án sắp xếp.
Theo chinhphu.vn