Xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh nguy hiểm trên động vật nuôi trước ngày 15/7

11/06/2021 09:07

Là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 9/6 đối với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu, bò... vẫn còn xảy ra, phát sinh trên địa bàn một số huyện thành phố, đặc biệt bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò là bệnh truyền nhiễm mới, đã phát sinh, gây bệnh trên đàn bò tại các huyện Kon Plông, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai, thành phố Kon Tum... Nguy cơ lây lan dịch bệnh ra địa bàn khác trong tỉnh là rất lớn.

Kiểm tra tình hình bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò ở huyện Ia H'Drai. Ảnh: HL

 

Để kịp thời chủ động, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát, kiểm tra các địa bàn có nguy cơ hoặc đang phát sinh dịch bệnh, khẩn trương tổ chức triển khai ngay các biện pháp phòng, chống, dập dịch. Ngăn chặn và xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh trước ngày 15/7, đảm bảo không để lây lan ra các địa bàn khác.

Tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật theo phương châm “phòng bệnh là chính”,“chống dịch như chống giặc”, “4 tại chỗ”. Phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh khi phát sinh dịch bệnh; nhanh chóng ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Phân công trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể từng tổ chức, cá nhân trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tham gia triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định pháp luật và theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không đúng quy định làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở,… với các nước.

Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để dịch bệnh tiếp tục tái phát, phát sinh, diễn biến phức tạp, lây lan trên địa bàn và ra các địa phương khác.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai các giải pháp ngăn chặn và xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh đến ngày 15/7, đảm bảo không để lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, phối hợp, bám sát địa bàn, phối hợp các cơ quan chuyên môn của các huyện, thành phố để kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Căn cứ diễn biến, tình hình dịch bệnh Covid-19, chủ động xây dựng các phương án tổ chức phòng, chống, khống chế dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo theo tình hình thực tế, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Tiêu hủy gia súc bị bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: HL

 

Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên động vật trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp hiện nay.

Sở Công thương chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị địa phương kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh; kết nối các doanh nghiệp với người chăn nuôi để hỗ trợ tiêu thụ, phù hợp trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế của người chăn nuôi.

Cũng trong Chỉ thị 11/CT-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, bộ phận chuyên môn trực thuộc phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y tổ chức điều tra, đấu tranh, triệt phá việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không đúng quy định làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam.

Hồng Lam

Chuyên mục khác