“Vừa phòng thủ chống dịch Covid-19 vừa tấn công trên mặt trận kinh tế”

03/07/2020 05:21

Là nội dung được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và bàn các giải pháp khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội các tháng cuối năm, diễn ra ngày 2/7.

Dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương, đại diện các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty, doanh nghiệp trong nước.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Kon Tum. Ảnh: TH

 

Dự Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dịch bệnh đã tác động nặng nề tới nền kinh tế đất nước, GDP quý II/2020 ước tính chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước. Tuy tăng trưởng thấp, song so với khu vực và thế giới thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi kinh tế là cấp bách hơn bao giờ hết. Chúng ta cần chủ động trong đánh giá tình hình, chung sức đồng lòng, quyết tâm hơn để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân.

Trên cơ sở xem xét các báo cáo, các bộ, ngành, địa phương thảo luận các kịch bản, giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép” là vừa không để dịch bệnh Covid-19 quay lại, vừa phục hồi, phát triển kinh tế trong nửa chặng đường còn lại của năm 2020.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù  gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%...

Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Cụ thể, khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ.

Theo nhận định chung, 6 tháng cuối năm, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục bùng phát tại các quốc gia, tình hình sản xuất - kinh doanh được dự báo sẽ rất khó khăn, thêm doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề do tác động của dịch bệnh.

Thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong 6 tháng cuối năm là khá lớn.

Trên cơ sở nhận định tình hình, Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu các cấp, các ngành triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Đó là: Xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế theo phương châm mới là “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc” trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đoàn kết với quyết tâm cao hơn, phối hợp chặt chẽ hơn triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế trong ngắn hạn nhanh, mạnh, hiệu quả gắn với xu hướng thay đổi trong trung và dài hạn. Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 để triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới; khuyến khích tổ chức tín dụng triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi để góp phần duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, đồng thời kinh tế có những bước phát triển là một thành công của đất nước, thể hiện sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, tinh thần vừa phòng thủ chống dịch Covid-19 vừa tấn công trên mặt trận kinh tế vẫn là mục tiêu kép mà tất cả các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Kiên quyết chống dịch Covid-19, không để làn sóng dịch bệnh thứ 2 tràn vào xóa bỏ đi những thành quả mà chúng ta đã nỗ lực đạt được suốt thời gian qua, đồng thời phải thực hiện có hiệu quả giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; điều hành chính sách tiền tệ tài khóa linh động, hiệu quả hơn; ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế. Có cơ chế, giải pháp phù hợp để thúc đẩy tiêu dùng cá nhân; tăng cường hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong thông quan hàng hóa nhằm đảm bảo mục tiêu xuất khẩu đã đề ra.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các bộ trưởng, bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải xác định tinh thần khó khăn gấp đôi phải quyết tâm gấp ba, không chùn bước trước thách thức lãnh đạo bộ, ngành, địa phương mình vượt qua khó khăn, trong đó lưu ý tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công. Chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân, nhất là việc làm, thu nhập của người lao động, những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19; tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp.

Thùy Hương

 

 

Chuyên mục khác