Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp Phiên chất vấn phiên họp thứ 14

10/08/2022 21:47

Chiều 10/8, tại Thủ đô Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp Phiên chất vấn trực tuyến tại phiên họp thứ 14 đến 62 điểm cầu trong cả nước. Đồng chí Vương Đình Huệ- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên chất vấn.
Quang cảnh Phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: TVP

 

Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí U Huấn- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL).

Tại Phiên chất vấn buổi chiều, các đại biểu Quốc hội đã nêu ra những vấn đề bức xúc của cử tri về vấn đề phát triển du lịch, đặc biệt sau đại dịch Covid-29.

Trả lời Phiên chất vấn, đồng chí Nguyễn Văn Hùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và nhận định: Phục hồi và phát triển du lịch bền vững hậu Covid-19 không thể thành công trong “một sớm, một chiều”; phải “tư duy mới, hành động mới”, cần nghiên cứu xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, các ngành, các địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động. Du lịch phải đứng trên “hai chân” nội địa và quốc tế. Vì vậy, trong bối cảnh thị trường quốc tế cần thời gian để phục hồi, thì du lịch nội địa tiếp tục là chìa khóa giúp ngành du lịch Việt Nam tạo đà và phát triển, bởi ngay trước khi có Covid-19 thì du lịch nội địa cũng đã đóng góp tới 5,5% tổng GDP cho toàn bộ nền kinh tế. Sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, đây là cơ hội để phát triển du lịch bền vững, mà ưu tiên chính của du lịch bền vững là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Việt Nam, giảm tác động vào môi trường và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành du lịch.

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp cùng các địa phương sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” để đề xuất sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết); đồng thời xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là nền tảng để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, sửa đổi Luật Du lịch 2017 (nếu cần thiết) tạo khuôn khổ cho du lịch Việt Nam phát triển; hoàn thành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045 trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2022, trong đó phối hợp với các địa phương để nghiên cứu, định hướng các địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia; làm cơ sở cho các địa phương triển khai lập quy hoạch các khu du lịch quốc gia trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, biện pháp hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp phục hồi, phát triển du lịch, như: Hoãn nợ, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi; đầu tư sửa chữa, duy tu các khu di tích, quần thể du lịch, dịch vụ du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh.

Đồng thời, phát huy vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong phát huy hiệu quả liên kết phát triển du lịch, phát triển sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đề xuất Chính phủ về việc thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài; huy động sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức các sự kiện văn hóa đối ngoại tại nước ngoài trong những tháng cuối năm. Cùng với các địa phương xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch theo hướng “Mỗi địa phương - Một sản phẩm du lịch đặc sắc”; tập trung xây dựng, hoàn thành trung tâm điều hành về du lịch của Bộ VH,TT&DL.

Phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ “Hỗ trợ phát triển du lịch” để hỗ trợ các địa phương phục hồi, phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng. Tiếp tục đồng hành, phát huy sức mạnh của toàn dân và doanh nghiệp, trong đó vai trò của hiệp hội du lịch, tổ chức các diễn đàn, cuộc trao đổi để doanh nghiệp có cách nhìn đúng, đồng hành cùng Chính phủ, Bộ VH,TT&DL, các địa phương nỗ lực xây dựng, phục hồi và phát triển du lịch. Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đạo tào nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Bộ VH,TT&DL kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về xây dựng chính sách, pháp luật, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, khuyến khích đầu tư cũng như là lĩnh vực được triển khai phương thức đầu tư đối tác công tư. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa theo hướng tăng cường hơn các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản gắn với hoạt động du lịch…

Phát biểu bế mạc Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL; đồng thời, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội trong cả nước về tinh thần, trách nhiệm của ngành Công an và ngành VH,TT&DL trong quá trình hội nhập quốc tế để góp phần xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác